Viêm da cơ địa ở trẻ không đơn giản như nhiều bậc cha mẹ vẫn nghĩ, ngược lại, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ, các bậc cha mẹ hãy tìm hiểu để có thể phòng ngừa cho con nhé!
Triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ
Viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ là tình trạng da của bé bị viêm, đỏ và có những dấu hiệu bất thường. Khi đó, trẻ thường quấy khóc vì ngứa ngáy khó chịu. Bệnh thường gặp ở giai đoạn trẻ từ 1 – 2 tuổi. Nhìn chung, viêm da cơ địa trẻ em thường có một số triệu chứng điển hình như:
+ Ngứa
+ Da đỏ, sưng, phát ban
+ Da rất khô, có thể kèm theo vảy
+ Da bị loét, các nốt mụn nước vỡ, đóng vảy
Tuy nhiên, vào một số giai đoạn, bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em sẽ có những dấu hiệu nhận diện khác nhau, cụ thể như sau:
Với trẻ sơ sinh
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh thường có các triệu chứng da khô, nhám xuất hiện ở mặt, trên khuỷu tay và đầu gối. Triệu chứng bệnh có thể lan sang các khu vực da khác trên cơ thể, nhưng thường xuất hiện ở vùng da quấn tã, nơi có độ ẩm tốt.
Với những trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi
Vùng da hai bên má xuất hiện những mảng đỏ, phồng. Sau đó, những mảng da này sẽ khô, trầy, rỉ nước, khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu.
Trẻ từ 6 tháng – 1 tuổi: Triệu chứng viêm da cơ địa sẽ ngày càng tăng lên.
Trẻ từ 1 – 2 tuổi: Biểu hiện bệnh giảm dần và có thể biến mất khi trẻ 3 tuổi.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ
Viêm da cơ địa ở trẻ nhìn chung không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên, khi không chữa trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ tái diễn nhiều lần, ngay cả sau khi trẻ trên 3 tuổi. Lúc trầm trọng, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
Trẻ tăng trưởng chậm
Khi bị viêm da cơ địa, trẻ rất khó chịu nên thường quấy khóc, bỏ ăn, mất ngủ. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc kháng sinh hoặc corticosteroid cũng có thể làm ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng của trẻ. Vì vậy, các bé dễ bị sụt cân và chậm phát triển.
Bội nhiễm và u mềm
Đây là tình trạng dễ gặp phải khi trẻ gãi ngứa nhiều. Da bị sưng, dày lên, mưng mủ và lở loét. Khi vi khuẩn, virus thâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương có thể hình thành u mềm. Chúng đặc biệt nguy hiểm vì có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nhỏ nếu không được điều trị bệnh sớm.
Để lại sẹo xấu
Khi viêm nhiễm nặng và kéo dài sẽ làm tổn thương da sâu, có thể để lại sẹo sau này, nhất là ở vùng mặt.
Ảnh hưởng đến thần kinh
Viêm da cơ địa nặng ở vùng dây thần kinh, mắt… sẽ tác động không tốt đến dây thần kinh và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Liên quan đến các bệnh lý khác
Viêm da cơ địa ở trẻ còn có thể dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm như hen, viêm mũi dị ứng…
Những lưu ý khi chăm sóc da của trẻ khi bị viêm da cơ địa
Khi chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa, phụ huynh cần chú ý một số vấn đề dưới đây:
+ Chú ý rửa tay cho trẻ thường xuyên để loại đi bụi bẩn và vi khuẩn gây bệnh.
+ Không cho trẻ gãi để tránh những tổn thương ngoài da nặng hơn. Bên cạnh đó, cũng nên cắt ngắn móng tay móng chân cho trẻ để hạn chế tổn thương do trẻ vô ý gãi lên da.
+ Nơi sống của bé cũng cần chú ý giữ vệ sinh để đảm bảo sạch sẽ, tránh kích ứng da, tránh bụi bẩn, ẩm mốc.
+ Chọn quần áo thoáng mát, nhẹ nhàng, mềm mại, tránh các chất liệu dày, bí, nóng gây ra ảnh hưởng đến da.
+ Không nên để cho trẻ tiếp xúc với môi trường đất bẩn, nước bẩn nhằm tránh ảnh hưởng đến da, khiến cho viêm da cơ địa nặng hơn.