Nếu bị nổi mụn nước ở bàn chân sau khi tiếp xúc với nước, bạn không nên xem thường vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh chàm tổ đỉa. Rất nhiều người bị mắc phải tình trạng này từ mùa này sang mùa khác nhưng họ không hề biết nguyên nhân do đâu. Vậy chàm tổ đỉa là bệnh như thế nào? Có phải mọc mụn nước ở bàn chân là triệu chứng chàm tổ đỉa không? Phải làm sao trong trường hợp này?
Nổi mụn nước ở bàn chân: Cẩn thận dấu hiệu bệnh chàm tổ đỉa!
Thế nào là bệnh chàm tổ đỉa?
Chàm tổ đỉa là một dạng của bệnh chàm (eczema), gây ra các mụn nước nhỏ, rất ngứa ở cạnh ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay, bàn chân. Bệnh phổ biến ở nữ hơn nam (tỷ lệ gặp ở nam:nữ tương ứng 1:2).
Do có liên quan đến yếu tố thời tiết, mụn nước của bệnh chàm tổ đỉa thường mọc lên dày đặc vào mùa xuân. Các mảng mụn nước này có thể kéo dài trên 3 tuần trước khi chúng bắt đầu khô, thậm chí to lên và gây đau đớn. Khi các mụn nước này khô, chúng có thể bị nứt nẻ, chảy máu khiến da vùng này dày lên và lỗ rỗ, nhất là khi người bệnh gãi nhiều.
Hiện tại, chưa có giải pháp triệt để cho bệnh chàm tổ đỉa, nhưng may mắn là chúng ta có thể kiểm soát các triệu chứng và hạn chế phần nào sự tái phát trở lại, và bệnh này không hề lây nhiễm.
Làm thế nào để nhận biết bệnh chàm tổ đỉa?
Tất cả các dạng của bệnh chàm (eczema) đều gây ra ngứa và đỏ vùng da bị tổn thương. Riêng bệnh chàm tổ đỉa lại có biểu hiện hơi khác so với các dạng chàm còn lại.
Một số triệu chứng của chàm tổ đỉa bao gồm:
- Mảng mụn nước sâu ở rìa ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân
- Ngứa
- Đỏ
- Bong tróc, da bị nứt
- Đau
Nếu bạn đang nghi ngờ mình có các dấu hiệu của chàm tổ đỉa lòng bàn chân, bàn tay, hãy đi khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân gây chàm tổ đỉa
Chàm tổ đỉa thường xuất hiện ở độ tuổi 20 – 40 nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em. Những người bị viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng hay sốt dị ứng có nguy cơ cao bị bệnh này.
Chàm tổ đỉa có xu hướng di truyền trong gia đình. Vì thế nếu bạn có người thân bị chàm tổ đỉa, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Dưới đây là một số yếu tố kích hoạt chàm tổ đỉa bùng phát:
- Căng thẳng
- Phấn hoa
- Mồ hôi ở tay và chân do tập thể dục hoặc tiếp xúc với nước lâu
- Kim loại niken ở các đồ dùng hàng ngày như đồ trang sức, chìa khóa, điện thoại, gọng kính,… hay trong thực phẩm ăn uống như nước coca, sô cô la, đậu nành, bột yến mạch, hạt hạnh nhân, đồ ăn đóng hộp.
- Kim loại coban có trong các đồ vật như phấn vẽ, sơn, thiết bị y tế, đồ trang sức, khóa kéo hay trong thực phẩm như trai, hàu, cá, rau lá xanh, gan, sữa, thịt đỏ
- Muối crom dùng trong hàn răng, đồ da thuộc, tranh vẽ.
Cách điều trị chàm tổ đỉa
Phương pháp điều trị chàm tổ đỉa tại nhà sẽ là rửa vùng da tay và chân bị bệnh trong nước mát hoặc ngâm khoảng 15 phút 2-4 lần/ ngày. Sau đó thoa kem dưỡng ẩm lên vùng da bệnh.
Đối với tình trạng chàm tổ đỉa nặng, người bệnh sẽ cần các thuốc như steroid tại chỗ, thuốc ức chế calcineurin hay liệu pháp ánh sáng. Người bệnh cần giữ cho vùng da lòng bàn tay, bàn chân khô thoáng, hạn chế ẩm ướt và ra mồ hôi nếu không muốn chàm tổ đỉa sẽ bùng phát. Nguy cơ nhiễm trùng cũng có thể xảy ra khiến bệnh càng nặng hơn.
Chưa có cách nào có thể ngăn chặn hoàn toàn được bệnh chàm tổ đỉa, tuy nhiên chăm sóc da và dưỡng ẩm có thể giúp nâng cao sức khỏe của làn da, giảm nhẹ kích ứng và ngăn ngừa phần nào các cơn bùng phát bệnh. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn kiểm soát bệnh chàm tổ đỉa:
- Rửa sạch vùng da bị bệnh với sữa rửa mặt dịu nhẹ và làm khô nhẹ nhàng
- Nên bỏ nhẫn, trang sức ra khỏi tay chân khi rửa
- Dưỡng ẩm da ngay sau khi rửa tay/ chân
- Dưỡng ẩm thường xuyên, không để da bị khô
- Rửa tay hoặc chân ngay lập tức sau khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng
- Kiểm soát căng thẳng bởi đây sẽ là yếu tố khiến bệnh chàm tổ đỉa bùng phát
- Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột và hạn chế hoạt động ra mồ hôi nhiều
- Cắt ngắn các ngón tay để hạn chế gãi vào vùng da bệnh.
Dược sĩ Đoàn Thu