Chữa bệnh chàm bằng đông y luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người bệnh, bởi phương pháp này khá lành tính. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết bài thuốc nào mới có hiệu quả đối với tình trạng chàm của mình. Vì thế, sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn 3 bài thuốc đông y chữa chàm thường được áp dụng. Hãy tham khảo ngay, bạn nhé!
Nguyên nhân gây bệnh chàm
Bệnh chàm (eczema, viêm da cơ địa) là một dạng tổn thương da nông, đặc trưng bởi triệu chứng ngứa ngáy, da nổi mụn nước thành đám, trợt loét, chảy dịch, nhiễm cộm và dày sừng. Bệnh thường có đặc điểm dai dẳng và dễ tái phát. Rất khó để có thể điều trị dứt điểm căn bệnh này. Hiện nay, các phương pháp điều trị chủ yếu nhắm vào việc cải thiện triệu chứng, giảm thương tổn da và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp, bao gồm yếu tố bên trong và bên ngoài:
Nguyên nhân bên trong
- Yếu tố di truyền.
- Do rối loạn chức năng nội tạng.
- Do rối loạn nội tiết.
- Do sức đề kháng yếu.
- Do hệ miễn dịch suy yếu hoặc hoạt động bất thường.
Nguyên nhân bên ngoài
- Môi trường ô nhiễm.
- Thời tiết diễn biến đột ngột.
- Dị ứng hóa chất, mỹ phẩm.
- Dị ứng thuốc.
Điều trị bệnh chàm như thế nào là câu hỏi mà nhiều người mắc phải căn bệnh này đặt ra. Dùng thuốc tây có thể giảm nhanh triệu chứng nhưng dễ làm suy yếu sức khỏe làn da, khiến bệnh dễ tái phát hoặc trở nên nặng hơn. Vì thế, nhiều người có xu hướng lựa chọn chữa chàm theo đông y vì tính an toàn.
Cải thiện chàm bằng các bài thuốc đông y
Chữa chàm bằng đông y bao gồm các bài thuốc uống, bôi, ngâm rửa với nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên nhằm làm giảm thương tổn da, ngứa ngáy và phòng ngừa bệnh trở nặng. Dưới đây là các bài thuốc đông y cổ truyền gợi ý cho bạn để cải thiện bệnh chàm:
Bài thuốc số 1
Bài thuốc chữa chàm ở thể cấp tính, áp dụng khi có triệu chứng ngứa, trên da xuất hiện các vết đốm màu đỏ nhạt, nổi mụn nước, chảy dịch vàng, loét,...
- Chuẩn bị: Sài đất 100g. Các vị còn lại gồm: Ké đầu ngựa, kim ngân hoa, cam thảo đất, kinh giới, bồ công anh, cỏ mần trầu và thổ phục linh – mỗi vị 20g.
- Thực hiện: Đem các vị thuốc trên trộn lẫn và sắc cùng với 1 lít nước, cô đặc đến khi còn 300ml. Uống mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 14 – 20 ml. Thực hiện liên tục, đều đặn để thấy cải thiện.
Bài thuốc số 2
Bài thuốc áp dụng cho bệnh nhân có triệu chứng như ở bài thuốc số 1, nhưng các vết thương ít loét hơn, da hơi đỏ, ngứa.
- Chuẩn bị: Dùng 20g thạch cao. Các vị khổ sâm, phòng phong, kinh giới, ngưu bàng, mộc thông mỗi vị 12g; 8g tri mẫu cùng với 6g thuyền thoái.
- Thực hiện: Đem tất cả đi nghiền bột và pha với nước uống. Ngày 2 lần, mỗi lần 8 – 12g pha cùng với nước ấm. Uống mỗi ngày vào buổi sáng sớm và buổi tối, dùng trước hoặc sau bữa ăn đều được.
Bài thuốc số 3
- Nguyên liệu: Xa tiền và sinh địa mỗi vị 16g. Hoàng bá, hoàng liên, ngưu bàng tử, khổ sâm, mộc thông mỗi vị 12g. Bạch tiễn bì, phục linh, thương truật mỗi vị 8g cùng với 4g bạc hà.
- Thực hiện: Đem tất cả sắc đặc thành một thang, mỗi ngày uống 1 thang.
Những lưu ý trong quá trình chữa bệnh chàm bằng đông y
Trong quá trình chữa bệnh chàm bằng đông y, người bệnh cần lưu ý một vài điểm sau để đạt được hiệu quả tốt:
- Chế độ ăn cần đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung các loại vitamin từ rau xanh, hoa quả.
- Mặc những bộ quần áo rộng rãi, mềm mại để tránh cọ xát gây tổn thương đến những vùng da bị chàm.
- Với những chất tẩy rửa như: Sữa tắm, bột giặt, nước xả vải,... cần lựa chọn loại lành tính, tránh gây kích ứng cho da.
- Tập các thói quen tốt: Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, tập luyện thể thao,…
- Đối với vùng da bị tổn thương do chàm, cần vệ sinh sạch sẽ, tránh cào gãi gây tổn thương.
Dược sĩ Đoàn Thu