Viêm da cơ địa là tình trạng mạn tính phổ biến. Bệnh lý này thường gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho người mắc. Có khá nhiều cách để giảm ngứa, làm dịu da, trong đó xu hướng hiện này là áp dụng những mẹo từ thiên nhiên vì sự an toàn, lành tính. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu 3 mẹo từ thiên nhiên cực hay giúp giảm ngứa, cải thiện viêm da cơ địa. Hãy cùng tham khảo nhé!
Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa là bệnh lý mạn tính, thường xuất hiện ở trẻ em nhưng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, một số ít trường hợp bùng phát ở người lớn. Viêm da cơ địa thường không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu để lâu không chữa trị thì bệnh có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khiến bạn gặp phải nhiều phiền toái.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm da cơ địa rất đa dạng, có thể chỉ đơn giản là các đám khô da, mất sắc tố hoặc nhiều khi biểu hiện rất nặng như đỏ da toàn thân. Trong đó, ngứa là dấu hiệu xuyên suốt các giai đoạn của bệnh. Vị trí của tổn thương da phụ thuộc vào tuổi của người mắc và mức độ bệnh. Với trẻ nhỏ, bệnh thường có xu hướng cấp tính và tổn thương xuất hiện ở mặt, da đầu và mặt duỗi các chi. Với trẻ lớn hoặc những người mà bệnh diễn biến kéo dài, tổn thương da thường khu trú ở nếp gấp chi. Ở người lớn viêm da cơ địa thường chỉ biểu hiện đơn thuần tại bàn tay.
Vì sao viêm da cơ địa gây ngứa?
Da khô và phát ban trong viêm da cơ địa dẫn đến ngứa, ngứa nhiều hơn lại thôi thúc hành động cào, gãi. Do đó, chu trình tiếp tục hoặc diễn tiến thành bội nhiễm vô cùng nguy hiểm.
Ngứa là triệu chứng phức tạp của bệnh viêm da cơ địa. Chúng bắt đầu khi sợi thần kinh tự do được kích thích bởi đầu dây thần kinh được gọi là các sợi C ở lớp trên cùng của da (biểu bì). Các đầu dây thần kinh có thể được kích thích bởi những yếu tố khác nhau, bao gồm: Chất kích thích bên ngoài hoặc chất trung gian hóa học, điển hình là histamin trong da. Để đáp ứng với cơn ngứa trong da, các đường thần kinh được kích hoạt và thông điệp di chuyển đến não. Tuy nhiên, ngứa trong viêm da cơ địa không đơn giản như thế. Triệu chứng này là do có 2 loại ngứa khác - ngứa thần kinh và ngứa tâm thần gây nên. Ngứa thần kinh được tạo ra trong hệ thống thần kinh trung ương (não và tủy sống giải thích thông điệp từ các đường thần kinh) để đáp ứng với yếu tố ngứa tuần hoàn. Trong khi đó, chứng ngứa tâm thần được kích thích bởi yếu tố tâm lý.
3 mẹo từ thiên nhiên giảm ngứa do viêm da cơ địa
So với điều trị bằng các loại thuốc, những phương pháp từ thiên nhiên thường tác động chậm hơn và chỉ có hiệu quả với những trường hợp đáp ứng tốt, bệnh mới khởi phát, còn trong giai đoạn nhẹ. Bạn có thể áp dụng 3 mẹo dưới đây:
Dùng lá sài đất
Sài đất chứa các thành phần quý như: Wedelolacton, isoflavonoid, caroten, saponin, tanin, một số loại tinh dầu,...
Theo Dược điển Việt Nam (2002), lá sài đất là một trong những nguyên liệu được sử dụng nhiều trong dân gian để cải thiện thương tổn ngoài da, giúp tiêu viêm, giải độc. Loại cây này thường được dân gian dùng nhiều để chữa các chứng dị ứng, ngứa lở và mụn nhọt ngoài da.
Cách sử dụng như sau: Chuẩn bị lá sài đất tươi (khoảng 1 nắm) sau đó rửa sạch, để ráo nước rồi bỏ vào nồi nấu với nước sạch, để lửa vừa cho đến khi sôi thì tắt bếp. Chờ cho nước nguội bớt rồi dùng để ngâm rửa vùng da bị kích ứng, khó chịu do viêm da cơ địa, giúp giảm ngứa và cải thiện các triệu chứng ngoài da khác.
Dùng lá hành hoa
Thành phần của hành hoa chủ yếu là các loại tinh dầu, bao gồm: Tinh dầu sulfur, allicin (một loại kháng sinh tự nhiên), acid hữu cơ,...
Với một số người bị ngứa ngoài da và mắc một số vấn đề như viêm da cơ địa, dân gian cũng thường sử dụng hành hoa để cải thiện các triệu chứng.
Cách thực hiện cũng khá đơn giản: Chuẩn bị 1 nắm hành hoa, rửa sạch và để ráo nước sau đó cắt đoạn bằng đốt ngón tay. Cho nguyên liệu vào nồi với khoảng 2 lít nước, sau đó thêm muối và đun sôi. Dùng nước đã để nguội ngâm rửa vùng da bị viêm da cơ địa, kích ứng và ngứa ngáy.
Dùng lá trầu không
Lá trầu không có khá nhiều thành phần tinh dầu và hoạt chất hữu ích, có lợi cho làn da, bao gồm: Betel-phenol, chavibetol, chavicol, cadinen,...
Lá trầu không sử dụng cho người bị viêm da cơ địa có tác dụng giảm ngứa khá hiệu quả. Cách thực hiện cũng khá đơn giản như sau: Lá trầu không đem rửa sạch, để ráo nước, cho vào nồi cùng 2 lít nước, nấu đến khi sôi. Có thể thêm vào một chút muối trong khi nấu. Đợi nước nguội rồi dùng lau rửa vùng bị tổn thương. Thực hiện liên tục 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối.
Nhìn chung, các chuyên gia da liễu đều nhận định những phương pháp từ tự nhiên này có mức độ hiệu quả tương đối. Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà hiệu quả có thể sẽ khác nhau. Có thể sử dụng các mẹo trên như một biện pháp hỗ trợ, song song với các cách khác.
Dược sĩ Đoàn Thu