Người bệnh eczema thường là những người rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường, các chất gây dị ứng, kích ứng. Do đó, những thực phẩm mà người bệnh ăn mỗi ngày cần phải được quan tâm kĩ lưỡng. Bài viết sau đây cung cấp một vài lời khuyên về chế độ ăn uống cho bệnh eczema.
4 lời khuyên về chế độ ăn uống cho bệnh eczema
Chọn các thực phẩm giàu axit béo omega-3
Đã có nhiều bằng chứng cho thấy axit béo omega-3 có thể giúp giảm mức độ của các triệu chứng bệnh eczema. Trong một nghiên cứu lâm sàng, 44 người bị bệnh eczema đã được chia làm 2 nhóm. Một nhóm bổ sung 5,7 gram axit béo omega-3 mỗi ngày và nhóm còn lại dùng giả dược. Trong thời gian 8 tuần, những người sử dụng axit béo omega-3 giảm đáng kể các triệu chứng bệnh eczema của họ. Những tác dụng này được cho là nhờ đặc tính chống viêm của loại axit béo này. Ngày nay, hầu hết các chế độ ăn hiện đại không chứa đủ lượng axit omega-3. Nguồn cung cấp axit béo omega-3 qua thực phẩm chủ yếu bao gồm hạt lanh, quả óc chó, đậu nành, cá vùng nước lạnh như cá hồi, cá tuyết, cá bơn…
Chọn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quercetin, curcumin
Quercetin là một bioflavonoid có đặc tính chống oxy hóa, kháng histamin và kháng viêm. Các nghiên cứu cho thấy nó có thể giúp giảm các triệu chứng liên quan đến một số bệnh gây viêm bao gồm eczema. Nguồn thực phẩm giàu quercetin bao gồm táo, rượu vang đỏ, bông cải xanh, nho, anh đào, trái cây họ cam quýt, và nhiều loại quả mọng như mâm xôi, nam việt quất.
Curcumin là một phytochemical có trong nghệ, mang lại sắc tố màu vàng đặc trưng cho loại củ này. Nghệ đã được sử dụng trong y học Ayurvedic (một nền y học cổ truyền của người Ấn Độ) và y học Trung Quốc từ nhiều thế kỷ do tác dụng có lợi của nó trên một phạm vi rộng của nhiều loại bệnh. Curcumin đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm mạnh, một số chuyên gia tin rằng nguồn dinh dưỡng này có thể làm giảm bớt các triệu chứng liên quan đến bệnh eczema.
Bổ sung kẽm
Một chế độ ăn uống tốt cho những người bị bệnh eczema là ăn nhiều loại thực phẩm cung cấp kẽm. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, kẽm có thể làm giảm triệu chứng bệnh, giảm ngứa, bong vẩy da, chống viêm, tăng tái tạo biểu mô. Ngoài ra, kẽm ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động của các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch. Kẽm được tìm thấy nhiều trong hải sản (đặc biệt là hàu, sò, cua), nấm, yến mạch, các loại đậu… Để cho kẽm được hấp thu tốt, có thể bổ sung một lượng đủ vitamin B6.
Loại bỏ chất gây dị ứng thực phẩm khỏi khẩu phần ăn
Những người mắc bệnh eczema thường bị dị ứng với một số thực phẩm. Điều này tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, vì có những loại gây ra phản ứng dị ứng ở người này, nhưng lại không gây ra những phản ứng tương tự ở người khác. Tuy nhiên, vẫn có thể chỉ ra một số loại thực phẩm mà có nhiều khả năng gây ra dị ứng và làm bệnh eczema tăng nặng thêm. Những thực phẩm này bao gồm hải sản, sữa, ngô, trứng, sò, lúa mì (gluten)…
Các chất gây dị ứng phổ biến khác ở những người mắc eczema bao gồm các chất phụ gia thực phẩm và chất bảo quản như benzoates, tartrazine, bột ngọt, và sulfite. Benzoates là chất bảo quản kháng khuẩn được thêm vào nhiều loại nước ngọt và một số sản phẩm khác. Tartrazine là một thực phẩm màu nhân tạo được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm chế biến như các loại rau đóng hộp, nước giải khát, bánh kẹo, ngũ cốc, khoai tây chiên, nước chấm, mì, bơ, pho mát và các sản phẩm ngâm. Bột ngọt (monosodium glutamate - MSG) là một chất tăng cường hương vị thường được sử dụng trong các món châu Á và trong nhiều thực phẩm chế biến. Sulfite được sử dụng làm chất bảo quản trong nhiều loại thực phẩm đóng gói và đồ uống có cồn. Cách tốt nhất để tránh các chất phụ gia và chất bảo quản trong thực phẩm là lựa chọn thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chưa qua chế biến.
Trên đây là một số lời khuyên chung để giúp người bệnh eczema có được sự chọn lựa thực phẩm phù hợp nhất cho bản thân. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia. Thực hiện một chế độ ăn uống khoa học hoàn toàn có thể mang lại lợi ích nhiều hơn cả những gì bạn nghĩ.
Minh Phú