Bệnh chàm khiến bạn cảm thấy luôn ngứa ngáy, khó chịu. Vậy yếu tố nào khiến bệnh bùng phát? Hãy cập nhật ngay 5 yếu tố tạo cơ hội cho chứng bệnh này “tấn công” bạn sau đây!
5 tác nhân “âm thầm đứng sau” sự khởi phát của bệnh chàm
Bệnh chàm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Khi mắc bệnh, bạn sẽ cảm thấy làn da khô hơn và gây ngứa, khó chịu, ảnh hưởng tới tâm lý cũng như mọi sinh hoạt hàng ngày. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, nhưng những khó chịu mà bệnh chàm mang lại có thể khiến bạn “mất ăn mất ngủ”, chất lượng cuộc sống suy giảm nhanh.
Bệnh chàm có thể được biết đến với yếu tố di truyền. Nhưng đó không phải là tất cả. Bên cạnh yếu tố di truyền thì chàm còn có thể khởi phát dễ dàng bởi 5 yếu tố sau đây.
5 tác nhân “âm thầm đứng sau” sự khởi phát của bệnh chàm như sau:
1. Thời tiết
Trong nhiều trường hợp, bệnh chàm khởi phát hoặc trầm trọng hơn vào mùa hè. Đặc biệt, khi người bệnh càng ngứa, gãi thì khiến các thương tổn trên da càng lan rộng và dễ bị kích ứng. Vòng tròn luẩn quẩn này khiến bạn cảm thấy bế tắc và căng thẳng, mệt mỏi hơn!
Giải pháp giúp bạn giảm sự khó chịu này chính là hãy củng cố "màng bảo vệ" trên da. Cụ thể, bạn nên hạn chế để da bị cọ xát như không dùng sữa tắm hoặc xà bông có nồng độ kiềm; không tắm nước quá nóng... Bạn cũng có thể dưỡng ẩm cho da bằng các loại kem dưỡng ẩm thiên nhiên.
2. Sử dụng sữa tắm (xà bông) chưa phù hợp
Việc lựa chọn sữa tắm (xà bông) không phù hợp cũng là một trong những yếu tố phổ biến gây kích hoạt các đợt viêm, dẫn tới bệnh chàm bùng phát. Do đó, bạn cần tránh xa các loại sữa tắm, xà bông có nồng độ kiềm; nước hoa có thành phần hóa chất mạnh… Nếu có triệu chứng bị nổi mụn nước, ngứa, bạn nên tới cơ sở chuyên khoa da liễu để kiểm tra thành phần gây dị ứng cho da. Các tác nhân gây dị ứng thường gặp là hương liệu, chất bảo quản, kháng sinh trong kem bôi…
3. Thực phẩm
Trong trường hợp bạn bị dị ứng hoặc không dung nạp được một số thực phẩm nhất định thì đây cũng chính là nguyên nhân khiến bệnh chàm bùng phát dễ dàng. Bạn nên thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để tìm ra thành phần dị ứng và có biện pháp phòng tránh thích hợp. Bạn nên tránh xa các thực phẩm gây dị ứng và có thể bổ sung thêm vitamin D, kẽm để tăng cường hệ miễn dịch, giảm triệu chứng sưng viêm do bệnh.
4. Căng thẳng
Tình trạng căng thẳng không chỉ khiến bạn thấy mệt mỏi, ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung mà còn tác động xấu tới vẻ đẹp của làn da. Đặc biệt, bạn có biết bệnh chàm thường sẽ tiến triển nặng hơn khi bị căng thẳng (stress). Lúc này, bạn sẽ cảm thấy ngứa nhiều hơn và muốn gãi, dễ khiến tình trạng bệnh diễn biến xấu đi. Khi dùng kem bôi, bạn nên tránh các loại thuốc mỡ chứa kháng sinh vì chúng khiến da dễ bị kích ứng hơn.
5. Da bị “thiếu nước”
Thời tiết lạnh hoặc thói quen lười uống nước có thể khiến da bị khô, “mất nước” và dễ dẫn tới bệnh chàm. Do đó, bạn nên bảo vệ da vào mùa lạnh, uống đủ nước (1,5 – 2 lít nước mỗi ngày) và dưỡng ẩm da thường xuyên. Bạn có thể dùng máy phun sương ở phòng nhưng không nên để độ ẩm quá cao vì tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Đặc biệt, bạn không nên tắm quá lâu, chỉ khoảng 5-10 phút trong nước ấm.
Hà Anh