Viêm da cơ địa được biết đến là thể bệnh eczema phổ biến nhất, là tình trạng viêm lớp bề mặt da, biểu hiện đặc trưng là đỏ da, ngứa và mụn nước. Nếu bạn bị bệnh lý này, hãy cân nhắc bổ sung các thành phần sau vào chế độ ăn uống để giúp “làm sạch” da từ bên trong và cải thiện triệu chứng bệnh.
5 thành phần dinh dưỡng cần thiết cho viêm da cơ địa
Axit béo Omega 3
Axit béo Omega 3 rất cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Đây cũng là hoạt chất có đặc tính kháng viêm mạnh. Axit béo Omega 3 được tìm thấy trong nhiều thực phẩm, nhưng tập trung nhiều ở các sản phẩm thủy sản và các loại cá béo như cá ngừ, cá trích, cá hồi… Một số chất bổ sung như dầu cá hoặc dầu hạt lanh, cũng có hàm lượng cao của chất béo này. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, bổ sung axit béo Omega 3 có thể làm giảm viêm, ngứa, và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng viêm da cơ địa.
Vitamin B
Nhiều chuyên gia nhận định rằng vitamin B rất cần thiết cho sức khoẻ của da. Thiếu vitamin B có thể dẫn đến ngứa, da khô, làm tăng nặng triệu chứng bệnh viêm da cơ địa. Chính vì thế, người bệnh nên bổ sung thêm lượng vitamin B trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Các loại thực phẩm giàu vitamin B có thể kể đến là các loại rau xanh (đặc biệt là rau bina), cá, nấm, quả bơ, ngũ cốc…
Vitamin C
Vitamin C được biết đến với vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết cấu trúc collagen, và duy trì hoạt động ổn định của tế bào da. Sự thiếu hụt vitamin C gây ra các vấn đề như da khô, thô ráp, góp phần vào sự phát triển của viêm da cơ địa. Tăng lượng vitamin C trong chế độ ăn uống có thể góp phần cải thiện sức khỏe của da và chữa lành tổn thương nhanh hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu vitamin C có tác dụng giúp làn da khỏe hơn và nhăn da ít hơn, hạn chế sự mất nước của tế bào biểu bì, giúp cải thiện các triệu chứng bệnh eczema, viêm da cơ địa.
Các nguồn thực phẩm có hàm lượng vitamin C cao có thể kể đến là rau lá xanh đậm, bông cải xanh, kiwi, ổi, dâu tây... Một số loại thảo mộc tươi như rau mùi, hẹ, húng tây, húng quế và rau mùi tây cũng rất giàu vitamin C. Bổ sung nhiều các loại thực vật đầy màu sắc trong chế độ ăn uống thường xuyên là cách tốt nhất để có đủ vitamin C. Điều quan trọng là bạn nên nhớ rằng vitamin C nhạy cảm với nhiệt, vì vậy tốt nhất không nấu quá kỹ các thực phẩm này.
Axit gamma-linolenic
Tạp chí American Journal of Clinical Nutrition công bố kết quả của một số nghiên cứu cho rằng axit gamma-linolenic (GLA) hữu ích trong việc làm giảm các triệu chứng bệnh viêm da cơ địa. Axit béo thiết yếu này hiện diện một cách tự nhiên trong các loại dầu thực vật, dầu borage, dầu hoa anh thảo... Nhiều nhà khoa học tin rằng bệnh viêm da cơ địa có một phần là do những bất thường trong quá trình chuyển hóa các axit béo thiết yếu.
Kẽm
Thiếu hụt kẽm được cho là một trong những yếu tố khởi phát bệnh viêm da cơ địa. Kẽm giữ nhiều vai trò và đóng góp của nó đối với sức khỏe con người rất đa dạng. Kẽm có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, chống các bệnh nhiễm trùng cơ thể, giảm stress, chống oxy hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, kẽm giúp giảm các triệu chứng bệnh viêm da cơ địa như giảm ngứa, bong tróc lớp sừng da và giúp tăng cường sức khỏe làn da. Kẽm có nhiều trong một số thực phẩm như: hải sản (hàu, sò), thịt nạc, nấm, các loại hạt, ngũ cốc, quả lựu, quả bơ…
Ngọc Lâm