Bệnh eczema chịu ảnh hưởng lớn từ chế độ ăn uống. Có những thực phẩm giúp cải thiện triệu chứng bệnh, nhưng cũng có những thực phẩm làm bệnh bùng phát nặng hơn. Dưới đây là 6 chú ý về chế độ ăn uống đối với người bệnh eczema.
6 chú ý về chế độ ăn uống đối với bệnh eczema
1. Thời gian đầu mắc bệnh, bạn nên có một quyển sổ để ghi lại tất cả mọi thực phẩm bạn đã ăn mỗi ngày. Điều này giúp bạn theo dõi những thực phẩm nào làm bệnh eczema bùng phát để loại bỏ chúng.
2. Bạn có thể áp dụng chế độ ăn uống loại bỏ hầu hết các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao như lúa mì, trứng, sữa và các sản phẩm sữa, sôcôla, thực phẩm từ bột tinh chế (bánh mì, mì ống…), đường, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm có chứa màu nhân tạo và hương liệu…
3. Ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh, vì chúng cung cấp nhiều vitamin, chất chống oxy hóa… giúp chống viêm, chống lão hóa da, rất tốt cho bệnh eczema. Các loại thức uống cũng nên ưu tiên dùng nước lọc, nước ép từ trái cây, trà xanh…, tránh bia, rượu và các loại nước ngọt có ga.
4. Bổ sung các thực phẩm giàu axit béo omega-3 như các loại dầu ép tự nhiên (dầu ô liu, dầu bơ, dầu dừa…), dầu cá, hạt lanh, quả óc chó, cá ngừ, cá hồi...
5. Bổ sung thực phẩm chứa các vi khuẩn có lợi (còn gọi là probiotic) như Acidophilus và Bifidus. Các nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng điều này có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh eczema, đặc biệt là ở trẻ em.
6. Bổ sung thực phẩm giàu kẽm vào chế độ ăn uống. Kẽm là nguyên tố vi lượng thường bị thiếu hụt ở người bệnh eczema. Kẽm là thành phần cấu trúc trong một số protein và enzyme, điều hòa biểu hiện gen. Nó đóng một vai trò trong chức năng miễn dịch, tổng hợp protein, tổng hợp DNA và phân chia tế bào. Đối với da, kẽm hỗ trợ trong cấu trúc của protein và màng tế bào, làm lành vết thương, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và bảo vệ da chống lại tia cực tím.
Nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm các loại thịt đỏ như thịt bò và thịt cừu…, hải sản như tôm, cua, hàu, sò… Bên cạnh đó, một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật như ngũ cốc, nấm, quả lựu, quả mâm xôi, các loại hạt (hạt bí ngô, hạt vừng, hạnh nhân)… cũng là những nguồn dinh dưỡng giàu kẽm.
Anh Vỹ