Nếu bạn là một trong 10% dân số thế giới đang phải đối phó với bệnh chàm, bạn sẽ muốn có được những thông tin quan trọng về phòng và hỗ trợ điều trị tình trạng viêm da mạn tính này. Bài viết sau đây cung cấp 6 điều cần biết cho người bệnh chàm.
6 thông tin cần biết về bệnh chàm
1. Làm sao biết đó là bệnh chàm?
Bệnh chàm chưa có phương pháp hay xét nghiệm nào cụ thể để chẩn đoán mà hầu như chỉ dựa vào các triệu chứng của bệnh. Da của bạn bỗng trở nên đỏ, khô, ngứa, mụn nước li ti, bong tróc… thì có khả năng là bệnh chàm. Bệnh chàm thường xuất hiện ở các vị trí bao gồm mặt (đặc biệt là 2 bên má), phía sau đầu gối và khuỷu tay, tay, chân…
2. Gãi sẽ chỉ làm tình trạng bệnh thêm tồi tệ
Ngứa là triệu chứng đặc trưng và xuyên suốt của bệnh chàm. Do đó, nhiều người bệnh thường cào, gãi để giảm cơn ngứa. Thực tế đã cho thấy việc gãi chỉ làm kích ứng da, làm cơn ngứa không dứt và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Thay vào đó, người bệnh nên tìm các giải pháp giảm ngứa để hạn chế việc gãi. Tương tự như vậy, nhiều người bị mụn nước thường nặn ra, vùng da đóng vẩy thì lại bóc, gỡ vẩy… Những điều này đều có thể gây nhiễm trùng da, làm tổn thương nặng hơn, lâu lành hơn.
3. Bệnh chàm không chỉ là vấn đề về da
Bệnh chàm gây tổn thương chủ yếu trên da, nên nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là vấn đề ngoài da. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của tổ chức y tế Northwestern Medicine, Hoa Kỳ thực hiện trên 62.000 người trưởng thành, cho thấy bệnh chàm có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người có bệnh chàm thường ít tập thể dục, có khuynh hướng bị béo phì, phát triển bệnh tim, tiểu đường và mất ngủ.
4. Bạn cần cân nhắc trước khi sử dụng các sản phẩm có hóa chất
Đa số các sản phẩm chăm sóc da, sản phẩm giặt tẩy… đều có chứa hóa chất mạnh, chất bảo quản, chất tạo mùi… có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh chàm. Các chuyên gia khuyến cáo nên chọn các sản phẩm phù hợp, dịu nhẹ, không có các hóa chất gây kích ứng da.
5. Giảm căng thẳng sẽ giúp ích cho người bệnh chàm
Một số nghiên cứu đã chứng minh có sự liên quan giữa căng thẳng và bệnh chàm. Mặc dù căng thẳng không trực tiếp gây ra bệnh, nhưng nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Vì vậy, giảm bớt căng thẳng cũng là cách để cải thiện bệnh chàm. Tập thể dục, massage, yoga, thiền... là một số cách giảm căng thẳng rất tốt.
6. Dưỡng ẩm da luôn rất cần thiết cho việc cải thiện bệnh chàm
Bệnh chàm thường khiến da khô quá mức, do đó cần dưỡng ẩm mỗi ngày trong quá trình trị bệnh. Các chuyên gia khuyên nên dưỡng ẩm vài lần trong ngày để giữ cho da đủ nước, đặc biệt là sau khi tắm. Bạn cần tránh các chất dưỡng ẩm có quá nhiều thành phần tổng hợp hay chất bảo quản. Các loại dầu thiên nhiên (như dầu dừa) có thể giúp dưỡng ẩm rất tốt mà không gây tác dụng phụ hay kích ứng da. Dầu dừa chứa nhiều các acid béo và các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K… Khi bôi lên da, dầu dừa giúp bảo vệ da khỏi các tác nhân như bụi, nấm, vi khuẩn, virus, từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng. Từ lâu, dầu dừa đã được sử dụng nhiều trong các bệnh da liễu như chàm, vẩy nến, nhiễm trùng da nhờ đặc tính kháng khuẩn, giảm ngứa, bong vẩy. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng chống oxy hóa giúp phòng tránh các dấu hiệu lão hóa da.
Huy Tấn