Bệnh chàm bội nhiễm trẻ sơ sinh là bệnh da thông thường xảy ra trước khi trẻ lên một tuổi. Da bị chàm bội nhiễm sẽ bị khô, đỏ và ngứa. Đôi khi những chỗ da này có thể bị nứt, chảy dịch và sau đó đóng vảy. Đáng tiếc là hiện nay chưa có cách chữa bệnh chàm bội nhiễm. Tuy nhiên, có nhiều cách để kiểm soát và giúp con bạn thấy thoải mái hơn.
Triệu chứng bệnh chàm bội nhiễm trẻ sơ sinh
Em bé bị chàm bội nhiễm thường bị nổi mẩn đỏ, khô trên mặt. Em bé có thể nổi mẩn ở trên đầu, thân thể, cánh tay và chân hoặc sau tai. Mẩn đỏ này rất ngứa và có thể khiến trẻ thức giấc vào ban đêm. Ở trẻ chập chững biết đi và trẻ lớn tuổi hơn, khi bị chàm bội nhiễm, trẻ thường nổi mẩn ở vùng da quanh đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và mắt cá chân. Ở một số trẻ khác có thể nổi mẩn toàn thân.
Mức độ bệnh chàm bội nhiễm nặng hay nhẹ thường thay đổi và các mẹ sẽ thấy bệnh chàm bội nhiễm của con có lúc nhẹ, còn lúc khác thì nặng hơn. Điều quan trọng là phải đối phó hữu hiệu với bệnh chàm bội nhiễm và kiềm chế ngay sau khi bệnh bùng phát.
Trẻ bị chàm có thể bị nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn hoặc siêu vi khuẩn gây ra, đặc biệt là khi không kiểm soát bệnh hiệu quả. Các dấu hiệu bị nhiễm trùng thứ phát là các chỗ bị chàm chảy dịch, đóng vảy và nứt nẻ.
Nguyên nhân chàm bội nhiễm trẻ sơ sinh?
Hiện nay chưa biết nguyên nhân gây ra bệnh chàm bội nhiễm là gì. Nếu trong gia đình có người bị bệnh chàm bội nhiễm, hen suyễn hoặc sốt phấn hoa thì nhiều khi trẻ sẽ bị chàm bội nhiễm. Một số trẻ em bị chàm bội nhiễm cũng có thể bị hen suyễn hoặc sốt phấn hoa.
Bệnh chàm bội nhiễm có thể khởi phát bởi một số yếu tố, chẳng hạn như:
- Bị quá nóng vì quần áo, chăn/mền, lò sưởi
- Da khô
- Kích ứng vì xà bông, chất tẩy rửa, vải sợi hoặc các hóa chất khác
- Dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm
- Dị ứng với các chất gây dị ứng trong môi trường, chẳng hạn như bụi, phấn hoa cây cỏ hoặc lông động vật
- Siêu vi khuẩn và các bệnh nhiễm trùng thông thường khác.
Cách xử trí bệnh chàm bội nhiễm trẻ sơ sinh
Chúng ta có thể kiểm soát bệnh chàm bội nhiễm trẻ sơ sinh hữu hiệu tại nhà bằng cách xác định và tránh các yếu tố khởi phát.
Tránh yếu tố gây kích ứng da
Mỗi đứa trẻ có thể phản ứng với những thứ khác nhau và có thể mất một thời gian mới có thể tìm ra nguyên nhân gây kích ứng da. Một số yếu tố phổ biến có thể gây kích ứng da bao gồm:
- Núm vú giả, chảy nước dãi hoặc dính thức ăn quanh miệng
- Vật liệu không trơn láng, chẳng hạn như quần áo len, gối, khăn trải giường
- Chất tẩy rửa, xà bông, nước bong bóng tắm bồn, chất tẩy rửa khử trùng
- Kem đánh răng
- Các chất gây dị ứng môi trường, như lông thú, phấn hoa và bụi