Viêm da ở trẻ nhỏ là tình trạng ngày càng trở nên phổ biến. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Viêm da được chia thành 2 dạng chính là cấp tính và mạn tính. Vậy làm sao để cải thiện vấn đề này? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của chúng tôi để biết nhé!
Viêm da ở trẻ nhỏ là gì?
Viêm da ở trẻ nhỏ là bệnh da liễu thường tái phát, mạn tính và có liên quan tới cơ địa dị ứng. Bình thường, da có một lớp hàng rào bảo vệ, giúp ngăn nước trong da không bị bốc hơi và bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Khi lớp bảo vệ da bị tổn thương, trở nên khô, mất nước, các vi khuẩn bên ngoài dễ xâm nhập, làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ, mụn nước ngứa ngáy trên da.
Bệnh viêm da thường xuất hiện khá sớm, phổ biến ở trẻ trong giai đoạn 3 tháng sau sinh và kéo dài tới khoảng 5 tuổi. Theo thống kê, có khoảng 60% trẻ bị viêm da trong năm đầu đời, 30% phát bệnh trong 5 năm đầu và ở trẻ lớn tỷ lệ mắc bệnh chỉ 10%. Thông thường, bệnh sẽ biến mất khi trẻ bước vào giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, bệnh viêm da tái phát nhiều lần cho tới khi trưởng thành, gây nhiều bất tiện và ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Viêm da ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Mặc dù viêm da ở trẻ nhỏ thường tiến triển mạn tính và dai dẳng nhưng bệnh lý này được đánh giá là lành tính, hiếm khi gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nếu được điều trị và chăm sóc tốt, tổn thương da và các triệu chứng cơ năng thường có xu hướng thuyên giảm nhanh.
Tuy nhiên, trẻ bị viêm da thường có nguy cơ cao mắc bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn. Ngược lại, với những trẻ không được điều trị và chăm sóc đúng cách, viêm da có thể gây ra các biến chứng như:
- Bội nhiễm da: Khiến da bị tổn thương và đau nhức, khó chịu.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Tình trạng ngứa ngáy khiến trẻ khó chịu, bứt rứt, mệt mỏi và khó ngủ. Nếu kéo dài sẽ dẫn đến chứng suy nhược, khiến trẻ chậm lớn và có hệ miễn dịch kém.
- Hen suyễn, viêm mũi dị ứng và sốt cỏ khô: Có đến 75% trẻ nhỏ bị viêm da bị hen suyễn, sốt cỏ khô và viêm mũi dị ứng. Các bệnh lý này bùng phát mạnh và kéo dài có thể khiến sức khỏe của trẻ giảm sút.
Ngoài ra, viêm da còn gây sẹo thâm, làm mất thẩm mỹ, tạo tâm lý tự ti và ám ảnh về ngoại hình (đối với những trẻ lớn hơn).
Điều trị viêm da ở trẻ nhỏ
Mục đích chính của việc điều trị bệnh viêm da ở trẻ là giảm ngứa ngáy, phục hồi tổn thương da, ngăn ngừa bội nhiễm và hạn chế nguy cơ tái phát.
Sử dụng thuốc
Chuyên gia thường chỉ định thuốc bôi cho trẻ nhằm kháng khuẩn, giảm viêm và bớt ngứa ngáy. Tuy nhiên, với những trẻ lớn có hiện tượng bội nhiễm và sưng, viêm kéo dài có thể được chỉ định thuốc dạng uống.
Thuốc bôi trong điều trị viêm da ở trẻ nhỏ thường dùng: Dung dịch tím metin 1%, nước muối sinh lý 0.9%, nitrat bạc 0.25%, thuốc mỡ corticoid, thuốc kháng histamin,…
Thuốc uống trị viêm da ở trẻ: Thuốc kháng histamin H1, corticoid đường uống, kháng sinh (dùng trong trường hợp có viêm nhiễm).
Trẻ có thể được chỉ định thêm một số dạng viên uống bổ sung nhằm tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể trạng.
Sử dụng thảo dược dân gian
Dân gian lưu truyền một số loại thảo dược có tác dụng cải thiện viêm da như: Trầu không, chè xanh, lá khế, lá đơn đỏ,... Các loại thảo dược này có thể được sử dụng để tắm cho trẻ. Phương pháp này có tác dụng giảm ngứa, kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị viêm da ở trẻ em.
Tuy nhiên, phương pháp này cần kiên trì sử dụng lâu dài mới cho thấy hiệu quả. Bên cạnh việc tắm lá, phụ huynh nên sử dụng thêm cho trẻ các loại kem dưỡng ẩm hoặc thuốc kê theo đơn để mau chóng đẩy lùi viêm da. Khi áp dụng phương pháp này, cần chú ý tuân thủ đúng hướng dẫn và đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm trùng.
Dược sĩ Đoàn Thu