Viêm da cơ địa là bệnh da thường gặp. Tỷ lệ bệnh chiếm 10 - 20% số người bệnh đến khám chuyên khoa da liễu. Có rất nhiều cách điều trị viêm da cơ địa như tây y, đông y. Về phương pháp điều trị theo tây y, hiện nay, tacrolimus là một thuốc khá mới được sử dụng để điều trị viêm da cơ địa, chàm da. Vậy tacrolimus có công dụng, chỉ định và cách dùng như thế nào? Mời các bạn cùng đọc bài viết dưới đây.
Cách điều trị viêm da cơ địa mới nhất - Tacrolimus
Bệnh viêm da cơ địa hay gặp ở người có cơ địa dị ứng, có tiền sử gia đình mắc viêm da cơ địa. Điều trị viêm da chủ yếu là sử dụng kháng histamin, corticoid tại chỗ, thuốc điều hoà miễn dịch và chất làm ẩm da. Ngày nay, bên cạnh các thuốc thuộc nhóm corticoid còn có thuốc mới có tác dụng điều biến miễn dịch, hiệu quả điều trị tốt, ít gây tác dụng phụ, có thể sử dụng dài ngày như tacrolimus.
- Cơ chế tác dụng của tacrolimus: Tacrolimus thuộc nhóm chất ức chế calcineurin tại chỗ, từ đó ngăn chặn sự hoạt hóa của tế bào lympho T giúp giảm viêm trong bệnh viêm da cơ địa.
- Chỉ định của tacrolimus:
Điều trị bệnh eczema (viêm da dị ứng) vừa đến nặng ở những người bệnh không thể sử dụng các loại thuốc khác hoặc đã điều trị nhưng không hiệu quả.
- Hiện nay tacrolimus được bào chế dưới dạng thuốc mỡ bôi ngoài da.
- Liều lượng - cách dùng:
Bôi lớp mỏng lên vùng da bị tổn thương.
Người lớn trên 16 tuổi: Thoa kem bôi 0,1% 2 lần/ngày cho đến khi sạch tổn thương, nếu tái phát, nên tiếp tục dùng kem 0,1% 2 lần/ngày.
Trẻ nhỏ hơn 16 tuổi: Thoa một lớp mỏng 0,03% thuốc mỡ vào vùng bị ảnh hưởng hai lần mỗi ngày; chà nhẹ nhàng.
- Chống chỉ định:
Thuốc chống chỉ định sử dụng với các trường hợp quá mẫn với macrolide, tacrolimus hoặc với thành phần thuốc.
- Thận trọng:
Các trường hợp dưới đây cần thận trọng khi sử dụng thuốc để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến tình trạng bệnh và sức khỏe, cũng như cần chú ý các điểm sau:
+ Trẻ < 2 tuổi.
+ Người bệnh suy gan, mắc chứng đỏ da toàn thân.
+ Phụ nữ có thai và cho con bú.
+ Tránh để da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và tia cực tím.
+ Không bôi cùng với chế phẩm ngoài da khác.
+ Tránh để thuốc tiếp xúc với mắt và niêm mạc.
+ Không băng kín chỗ bôi thuốc.
- Tác dụng phụ của tacrolimus
+ Cảm giác đau, rát bỏng, ngứa, dị cảm, phát ban, ban đỏ.
+ Tăng nguy cơ viêm nang lông, trứng cá, nhiễm virus Herpes
Dược sĩ Đoàn Thu