Chàm (hay viêm da cơ địa, eczema) là tình trạng phát ban ở da, thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Đối với trẻ nhỏ, bệnh có xu hướng xuất hiện trên má và da đầu, nhưng có thể lan đến cánh tay, chân, ngực hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Cha mẹ nên chú ý quan sát các dấu hiệu của chàm để kiểm soát bệnh cho trẻ, đề phòng biến chứng nguy hiểm!
Bệnh chàm ở trẻ em – Cha mẹ không thể coi thường
Phát ban do chàm có thể trông giống như da khô, dày, có vảy. Những vết mẩn sưng đỏ, chảy mủ hoặc nhiễm trùng nếu bị trầy xước. Chàm không phải là bệnh truyền nhiễm, nhưng gây ngứa ngáy, rất khó chịu và gãi có thể làm vấn đề thêm trầm trọng. Gãi làm da bị tổn thương, gây ra sẹo theo thời gian, khiến da dày lên và sạm đi trông thấy. Nếu không được điều trị, phát ban do chàm gây mất thẩm mỹ, trở thành thách thức lớn cho trẻ sau này. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh chàm bằng cách kiểm tra da của bé.
Không ai biết chắc chắn nguyên nhân chàm bùng phát, nhưng xu hướng mắc bệnh chàm có yếu tố gia đình. Vì vậy, con bạn có nhiều khả năng xuất hiện bệnh nếu bạn hoặc một thành viên gia đình bị bệnh chàm, hen suyễn hay dị ứng. Chàm không phải là một phản ứng dị ứng với một chất, nhưng những chất gây dị ứng hoặc chất kích thích trong môi trường (chẳng hạn như phấn hoa hoặc khói thuốc lá) có thể kích hoạt bệnh. Ít phổ biến hơn, nó có thể được kích hoạt bởi các chất gây dị ứng trong chế độ ăn uống. Phát ban cũng có thể trầm trọng hơn do nhiệt, chất kích thích tiếp xúc với da. Căng thẳng cũng là yếu tố kích hoạt bệnh chàm bùng phát.
Khoảng 20% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị bệnh chàm, với 65% bệnh nhân phát triển các triệu chứng trong năm đầu đời và 90% phát triển trước 5 tuổi. Không có cách nào để biết trước một đứa trẻ sẽ phát triển bệnh chàm da, nhưng may mắn là tình trạng này thường ít nghiêm trọng hơn theo tuổi tác. Nhiều trẻ em phát triển bệnh chàm da lúc 2 tuổi và một số trẻ khác lại thấy bệnh chàm ở tuổi trưởng thành.
Típ chăm sóc da cho bé khi bị bệnh chàm
Chăm sóc tốt cho da của con bạn và tránh những tác nhân gây kích ứng có thể giúp điều trị và ngăn ngừa bệnh chàm bùng phát.
Tắm và giữ ẩm
Nhiều chuyên gia hiện nay tin rằng, tắm hàng ngày mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em mắc bệnh chàm. Chỉ cần không tắm nước quá nóng, bởi nó sẽ làm khô da nhanh hơn nước ấm. Sử dụng xà bông nhẹ hoặc sữa rửa mặt không xà phòng để rửa và gội đầu cho bé. Không sử dụng chất làm mềm vải. Ngay sau khi đưa con ra khỏi bồn tắm, hãy lau nhẹ (đừng chà xát) nước thừa từ da bằng khăn mềm. Sau đó, trong khi da vẫn còn ẩm, nhanh chóng bôi kem dưỡng ẩm hoặc chất làm mềm như thuốc mỡ, kem dưỡng da để cung cấp đủ độ ẩm cho làn da của bé.
Cho phép da thở và luôn thoáng mát
Cho bé mặc những loại vải mềm mịn, thoáng mát như chất cotton. Tránh chất liệu từ len và các vật liệu trầy xước khác, có thể gây kích ứng da rất nhạy cảm. Đừng mặc quá nhiều lớp quần áo cho con của bạn. Điều này sẽ khiến da đổ mồ hôi, làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Tránh trầy xước
Những cơn ngứa do chàm thường vô cùng khó chịu, bé sẽ làm giảm bớt bằng cách gãi bằng tay hoặc cọ xát mặt vào tấm chăn khi ngủ. Gãi, cọ xát có thể gây kích ứng và làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn nhiều. Cha mẹ hãy giữ cho móng tay của bé không quá dài để tránh làm trầy xước da.
Làm dịu cơn bùng phát
Trong thời gian bệnh chàm bùng phát, bạn có thể thử sử dụng các miếng gạc mát áp vào khu vực bị kích ứng nhiều lần trong ngày, sau đó là bôi kem dưỡng ẩm.
Tường Vy