Bệnh Eczema ở phụ nữ mang thai thường khó điều trị hơn so với các trường hợp thông thường. Bởi lúc này, một số phương pháp có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp khắc phục an toàn để kiểm soát bệnh tốt hơn.
Eczema là bệnh gì?
Eczema bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “eczeo” có nghĩa là “mụn nước”. Biểu hiện của bệnh bao gồm: Da có mụn nước, ngứa ngáy, bong tróc vảy, liken hóa (da bị dày lên).
Eczema là thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái viêm lớp nông của da do các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Cũng như một số bệnh ngoài da khác, eczema không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, eczema sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống và tinh thần của người mắc.
Khi mang thai mắc bệnh Eczema, nguyên nhân do đâu?
Một số yếu tố được xem là tác nhân khiến triệu chứng của bệnh Eczema bùng phát ở phụ nữ mang thai, bao gồm:
Hệ miễn dịch suy giảm: Trong thời gian mang thai, nhất là những tháng đầu thai kỳ, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ suy giảm hơn so với bình thường. Đây là hiện tượng sinh lý do cơ thể đang hoạt động quá mức để chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới. Hơn nữa, lúc này hệ miễn dịch sẽ tập trung bảo vệ thai nhi nên cơ thể mẹ dễ bị các tác nhân xấu xâm nhập và gây tổn thương.
Rối loạn nội tiết: Ở phụ nữ mang thai, hormone estrogen và progesterone thường có xu hướng tăng mạnh. Sự gia tăng đột ngột của nội tiết tố trong cơ thể khiến da và một số cơ quan gặp phải các vấn đề tiêu cực.
Căng thẳng: Căng thẳng thường xuất hiện ở những người mới mang thai lần đầu tiên. Trạng thái tâm lý không thoải mái cộng với những thay đổi bên trong cơ thể chính là tác nhân khiến bệnh Eczema bùng phát.
Mang thai lần đầu: Bệnh Eczema có xu hướng xuất hiện nhiều ở những người mới mang thai lần đầu tiên.
Yếu tố từ môi trường bên ngoài cũng có thể gây ra các triệu chứng của bệnh Eczema, như:
Chất kích thích: Chúng bao gồm xà phòng, chất tẩy rửa, dầu gội, chất khử trùng,...
Dị ứng: Bụi, vật nuôi, phấn hoa, nấm mốc và gàu có thể dẫn đến bệnh Eczema.
Vi khuẩn: Các vi khuẩn như Staphylococcus aureus, virus và một số loại nấm có thể là nguyên nhân khiến bệnh Eczema bùng phát ở bà bầu.
Nhiệt độ nóng và lạnh: Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, độ ẩm cao hoặc thấp cũng có thể là yếu tố khiến bệnh Eczema tấn công.
Thực phẩm: Các sản phẩm từ sữa, trứng, các loại hạt và hạt, đậu nành và lúa mì có thể gây ra bệnh Eczema.
Biểu hiện đầu tiên của Eczema là gây ra sự ngứa ngáy kèm theo mụn nhọt xuất hiện. Các vết mụn nhọt này thường mọc ở mặt, cổ tay, bàn tay, bàn chân hoặc sau đầu gối, nếu bệnh nặng hơn, nó có thể lan ra toàn thân. Vùng da bị bệnh thường dày cộm lên, hoặc nổi vảy. Với những chị em có da sáng màu, khu vực tổn thương ban đầu sẽ có màu đỏ, sau đó chuyển sang màu nâu. Ở những chị em có da tối màu hơn thì Eczema có thể ảnh hưởng tới sắc tố da, khiến khu vực bị bệnh có màu sáng hoặc tối hơn. Nếu bạn có tiền sử bị Eczema trước đó thì tình trạng có thể sẽ tồi tệ hơn khi mang thai.
Trong thời kỳ mang thai, điều trị Eczema sao cho an toàn
Eczema là một bệnh về da khó có thể điều trị dứt điểm, dễ bị tái phát, nhất là đối với những người đang trong thời kỳ mang thai. Để ngăn ngừa bệnh, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc sau đây:
❏ Bạn có thể sử dụng một lượng vừa phải những loại kem bôi hydrocortisone liều nhẹ hoặc thuốc mỡ để ngăn ngừa Eczema phát triển nặng hơn trong thời gian này. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng, tránh gây ra tác dụng phụ.
❏ Lưu ý không sử dụng thuốc cyclosporine trong thai kỳ vì đây là một loại thuốc đặc trị chữa bệnh Eczema, có thể sẽ gây tác dụng phụ cho thai nhi.
❏ Các loại thuốc mới hơn không chứa các chất kích thích nonsteroidal như Protopic và Elidel cũng cần phải hạn chế vì chúng chưa được nghiên cứu thử nghiệm dành cho thai phụ.
Bên cạnh những biện pháp trên, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:
+ Tắm nước ấm vừa phải, không tắm nước quá nóng.
+ Giữ cho làn da của bạn luôn đủ nước với chất dưỡng ẩm.
+ Thoa kem dưỡng ẩm trực tiếp sau khi tắm.
+ Mặc quần áo rộng không gây kích ứng da. Chọn quần áo làm từ các sản phẩm tự nhiên, như cotton. Quần áo len có thể gây kích ứng thêm cho làn da của bạn.
+ Tránh xà phòng chứa quá nhiều chất tẩy rửa.
+ Nếu bạn sống ở vùng khí hậu khô, hãy cân nhắc sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà.
+ Uống đủ nước. Điều này không chỉ có lợi cho sức khỏe của bạn và sức khỏe của em bé mà còn tốt cho làn da của bạn.
Dược sĩ Đoàn Thu