Viêm da cơ địa dị ứng là một dạng của bệnh viêm da cơ địa (chàm, eczema). Việc điều trị viêm da cơ địa dị ứng chủ yếu là chữa triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Bệnh hay xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng. Vậy có những nguyên nhân nào có thể gây ra viêm da cơ địa dị ứng? Cách điều trị tình trạng này như thế nào?
Viêm da cơ địa dị ứng là gì?
Viêm da cơ địa dị ứng là một bệnh lý ngoài da phổ biến ở trẻ nhỏ, thường được gọi bằng các tên khác như bệnh chàm, viêm da cơ địa, chàm dị ứng.
Trẻ em thường bị viêm da cơ địa dị ứng khi mới sinh ra cho đến lúc 1 tuổi. Da của trẻ thường khô, ngứa và bong vảy. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở da đầu, trán hoặc mặt.
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa dị ứng
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu nguyên nhân gây viêm da cơ địa dị ứng và kết quả cho thấy:
- Bệnh không lây nhiễm từ người này sang người khác
- Bệnh di truyền trong gia đình: Những người bị viêm da cơ địa dị ứng thường có người thân đã từng bị mắc bệnh lý này. Điều đó chứng tỏ gen đóng vai trò quan trọng trong việc gây viêm da cơ địa dị ứng.
Liệu thực phẩm có gây ra viêm da cơ địa dị ứng?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số loại thực phẩm có thể khiến bệnh lý này trầm trọng hơn. Trẻ bị viêm da cơ địa dị ứng thường bị dị ứng với các thực phẩm như sữa, hải sản hay các loại hạt có nhân.
Kiểm soát và điều trị viêm da cơ địa dị ứng như thế nào?
Việc điều trị viêm da cơ địa dị ứng chủ yếu là giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Muốn làm được điều này, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
- Tránh xa các yếu tố có thể gây kích hoạt bệnh viêm da cơ địa dị ứng
- Dưỡng ẩm hàng ngày một cách đều đặn
- Sử dụng thuốc không kê đơn hoặc kê đơn theo chỉ định của chuyên gia
- Theo dõi các dấu hiệu của nhiễm trùng như có mủ, đau, đỏ, nóng
Dưới đây là một số yếu tố có thể khiến viêm da cơ địa dị ứng bùng phát hoặc nặng thêm mà những người bị tình trạng này nên nắm rõ:
- Da bị khô
- Các chất kích ứng hóa học: Xà phòng rửa tay hàng ngày, các chất tẩy rửa, dầu gội đầu, sữa rửa mặt,… có thể chứa các chất gây kích ứng, khiến da trở nên khô và đỏ.
- Căng thẳng có thể khiến bệnh tái phát hoặc nặng hơn
- Sự thay đổi nhiệt độ như quá nóng hoặc quá lạnh, đổ mồ hôi sẽ dẫn đến ngứa ngáy, từ đó có thể kích thích bùng phát bệnh viêm da cơ địa dị ứng
- Nhiễm vi khuẩn, virus
- Các chất gây dị ứng như vải len, lông vật nuôi, phấn hoa, ve bọ, nấm
- Sự thay đổi hormone đột ngột, nhất là ở nữ giới
Dưới đây là một số lưu ý giúp kiểm soát viêm da cơ địa dị ứng:
- Giữ gìn vệ sinh da, dưỡng ẩm và sử dụng các thuốc theo chỉ dẫn của chuyên gia.
- Cố gắng xác định các yếu tố có thể gây bùng phát viêm da cơ địa dị ứng.
- Không nên cào, gãi vào vùng da bị bệnh
- Nên mặc quần áo làm từ các loại vải mềm, thông thoáng, tránh các loại gây kích ứng như len, dạ
- Loại bỏ các yếu tố gây dị ứng
Phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh mà chuyên gia sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp cho người bị viêm da cơ địa dị ứng như thuốc bôi ngoài, liệu pháp ánh sáng, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc sinh học hay steroid.