Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo rằng một người Mỹ trung bình sử dụng lượng đường đáng kinh ngạc: 2,5 pound (hơn 1 kg) mỗi tuần, tương đương khoảng 22-30 muỗng cà phê đường hàng ngày! Một chế độ ăn quá nhiều đường có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe như viêm, dị ứng, trầm cảm, tiểu đường, béo phì… Vậy, đường và bệnh chàm có mối liên kết nào không?
Đường và bệnh chàm: có sự liên kết nào không?
Câu trả lời là có sự kiên kết giữa đường và bệnh chàm. Để hiểu rõ, chúng ta hãy bắt đầu với 2 điều cơ bản:
Thứ nhất: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi ăn từ 75 đến 100 gram đường (khoảng 20 muỗng cà phê đường), có thể ngăn chặn những phản ứng miễn dịch của cơ thể lên đến 5 giờ. Bên cạnh đó, ăn quá nhiều đường cũng đã được chứng minh ảnh hưởng đến khả năng diệt vi khuẩn và virus của tế bào bạch cầu, dẫn đến sự suy yếu hệ thống miễn dịch. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh chàm.
Thứ hai: đường có xu hướng tác động tiêu cực trên da vì nó gây ra một lượng lớn các phản ứng viêm trong cơ thể. Khi bạn ăn đường, thực phẩm có đường, hoặc một món ăn có chỉ số glycemic (chỉ số đường huyết - GI) cao, cơ thể của bạn chuyển hóa các phân tử đường (carbohydrate) thành đường glucose và làm tăng các phản ứng viêm khắp cơ thể. Các phản ứng viêm này sau đó sẽ sản xuất các enzyme phân hủy collagen và elastin - hai trong số các thành phần chính để xây dựng làn da khỏe mạnh. Quá trình này được gọi là sự glycat hóa. Glycat hóa xảy ra khi cơ thể không chuyển hóa glucose một cách bình thường (thường do một chế độ ăn uống nhiều đường). Khi không chuyển hóa đúng, glucose liên kết với các phân tử protein, tạo thành một chất bất thường được gọi là sản phẩm glycat hóa bền vững (advanced glycation end products - AGEs). Cơ thể của bạn sau đó sẽ sản xuất ra các kháng thể chống lại AGEs và gây ra viêm.
Bên cạnh đó, những AGEs tích lũy trong các mô, khiến da trở nên thô ráp, nhăn nheo, kém đàn hồi và giảm khả năng tái sinh. Như vậy, sự glycat hóa có thể trở thành một vấn đề khi bạn có làn da nhạy cảm hoặc bệnh chàm, vì nó có thể ảnh hưởng đến khả năng tự sửa chữa của làn da, dẫn đến những tổn thương không cải thiện hoặc mất nhiều thời gian để phục hồi.
Không nhiều người biết về những ảnh hưởng của quá trình glycat hóa, nhưng nó thực sự là một trong những yếu tố làm tổn hại cho làn da. Đây là lý do tại sao một số người có thể bị ngứa, mẩn đỏ hoặc nổi mụn khi ăn các loại thực phẩm có lượng đường cao như kẹo, đồ ngọt, đồ uống có đường… Nếu bạn bị bệnh chàm, một chế độ ăn uống có lượng đường cao sẽ làm cho tình trạng của bạn tồi tệ hơn.
Người bệnh chàm nên giảm lượng đường và tăng cường chăm sóc da
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo giảm lượng đường ăn xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Việc giảm thêm xuống dưới 5% hay khoảng 25 gram mỗi ngày sẽ cung cấp những lợi ích sức khỏe. Đường ở đây là tổng lượng đường bao gồm: các loại thực phẩm và đồ uống chứa đường, các loại đường tự nhiên trong mật ong, syrup, nước ép trái cây...
Huy Bình