Bệnh chàm là vấn đề da liễu hay gặp hiện nay. Theo thống kê của các bệnh viện Da liễu, tỷ lệ người mắc chàm có xu hướng ngày càng gia tăng trong những năm trở lại đây. Việc điều trị không hề dễ dàng bởi chàm thường mạn tính và hay tái phát. Tuy nhiên, với 4 loại gia vị từ thảo mộc sau đây sẽ giúp bạn kiểm soát triệu chứng của bệnh tốt hơn.
Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh chàm
Bệnh chàm (hay eczema, viêm da cơ địa) là một bệnh lý đặc trưng bởi triệu chứng ngứa dữ dội, đỏ, khô và nứt nẻ da. Mụn nước có thể xuất hiện, bị vỡ ra khi gãi hoặc chạm vào. Vùng da bị ảnh hưởng bởi bệnh chàm sẽ bị dày lên sau đó. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong những năm đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, chàm cũng có thể gặp ở người trưởng thành. Đây là một bệnh lý mạn tính. Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể tự khỏi hoàn toàn khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, với một số trẻ khác, bệnh không tự biến mất mà theo trẻ đến tận khi trưởng thành.
Có ba nhóm nguyên nhân chính gây nên bệnh chàm, đó là yếu tố di truyền, lối sống và tác nhân bên ngoài môi trường.
Yếu tố di truyền
Bệnh chàm có thể di truyền trong gia đình. Cụ thể, nếu trong gia đình có người bị bệnh chàm thì bạn cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này. Ngoài ra, những người bị chàm thường có rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể như rối loạn hệ bài tiết, thần kinh, tiêu hóa...
Tác nhân bên ngoài môi trường
Có rất nhiều công việc đòi hỏi bạn phải tiếp xúc nhiều với hóa chất như xi măng, thuốc nhuộm, sơn xe, dầu nhớt, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu... Nếu tiếp xúc với các tác nhân này trong thời gian dài có thể tạo điều kiện cho bệnh chàm khởi phát.
Việc mặc các loại vải khó thoát mồ hôi, mang giày dép làm từ nhiều hóa chất cũng có thể gây ra bệnh chàm. Lý do là những vật dụng này có thể chứa các hóa chất tồn đọng trong quá trình sản xuất, không được làm sạch, khử trùng thường xuyên.
Một số thực phẩm như tôm, cua, mực, cá ngừ, thịt bò,… cũng có thể làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh chàm.
Lối sống sinh hoạt
Chế độ làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi không khoa học dễ dẫn đến tình trạng cơ thể giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho bệnh chàm khởi phát.
Đồng thời, chế độ ăn uống không khoa học như: Thiếu các dưỡng chất, vitamin, nước, khoáng chất cần thiết cho cơ thể hay dư thừa đạm do ăn nhiều thực phẩm như trứng, tôm, cua, bò, gà, vịt, các thực phẩm cay nóng,… cũng khiến bệnh chàm dễ bùng phát.
4 loại gia vị tự nhiên mà người bị bệnh chàm không nên bỏ qua
Bên cạnh việc điều trị theo tây y, người mắc bệnh chàm cần lưu ý đến chế độ ăn uống hàng ngày. Bạn nên thêm vào chế độ dinh dưỡng những thực phẩm có thể giúp cải thiện bệnh chàm hiệu quả, chẳng hạn như 4 loại gia vị dưới đây:
1. Gừng
Gừng thường được sử dụng dạng tươi, là một loại gia vị được dùng phổ biến. Gừng có tác dụng giảm viêm, từ đó sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh chàm. Gừng cũng chứa các enzym có vai trò quan trọng trong chống lão hóa da như glutathione (GSH) và superoxide dismutase (SOD).
2. Nghệ
Củ nghệ có màu vàng cam đặc trưng nhờ chứa hoạt chất curcumin. Curcumin đã được nghiên cứu rộng rãi bởi vì nó có hàng loạt tác dụng trong điều trị bệnh bao gồm: Chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, kháng khuẩn, chống nấm... Nhiều nghiên cứu cũng thấy rằng, curcumin giúp tăng cường sự hình thành collagen và giúp nhanh lành vết thương. Do đó, nghệ mang lại nhiều lợi ích cho người bị bệnh chàm.
3. Quế
Quế là loại gia vị có lợi cho người bị chàm trong việc ức chế sự hình thành chất gây viêm. Quế chứa hoạt chất thực vật cinnamaldehyde, giúp kháng viêm và chống oxy hóa rất tốt. Quế còn có khả năng làm chậm sự hấp thu carbohydrate trong ruột, do đó cơ thể sẽ cần ít insulin hơn để kiểm soát lượng đường trong máu, giúp chống lão hóa rất tốt. Như vậy, quế có công dụng giảm viêm, chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa da, rất tốt cho người bệnh chàm.
4. Đinh hương
Trong tất cả các loại thảo mộc và gia vị, đinh hương là loại tốt nhất giúp ngăn ngừa sự hình thành các chất gây viêm. Đinh hương là gia vị đã được đánh giá cao từ thời cổ đại, được các hoàng đế Trung Quốc sử dụng để làm thơm mát hơi thở. Các dược tính của đinh hương bao gồm chống nấm, chống virus, chống viêm, kháng khuẩn, nhờ đó giúp cải thiện triệu chứng bệnh chàm. Một giọt dầu đinh hương có chứa lượng chất chống oxy hóa cao gấp 400 lần quả việt quất. Eugenol, thành phần quan trọng trong cây đinh hương, làm giảm viêm bằng cách ngăn chặn sự hình thành prostaglandin.