Eczema còn gọi là viêm da cơ địa, bệnh chàm. Đây là một tình trạng viêm da mạn tính, đặc trưng bởi các tổn thương màu đỏ, ngứa và bong tróc da. Hiện nay chưa có phương pháp nào điều trị dứt điểm được bệnh eczema. Mục tiêu điều trị bệnh lý này là giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế tái phát. 4 lời khuyên dưới đây sẽ giúp người mắc bệnh eczema cải thiện tình trạng này.
Bệnh eczema là gì?
Eczema bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “eczeo” có nghĩa là “mụn nước”. Biểu hiện của bệnh bao gồm: Da có mụn nước, ngứa ngáy, bong tróc vảy, liken hóa (da bị dày lên).
Nguyên nhân gây bệnh eczema có liên quan đến di truyền. Nếu bố mẹ bị mắc eczema thì con sinh ra sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Một số điều kiện có thể làm ảnh hưởng xấu đến cấu trúc và chức năng bảo vệ của da như thiếu dinh dưỡng, nhiễm trùng, da khô. Ngoài ra, các yếu tố môi trường (hóa chất, chất gây dị ứng, vi khuẩn, virus, sự thay đổi thời tiết, thực phẩm) và stress cũng góp phần làm khởi phát bệnh eczema.
Người bị bệnh eczema nên ghi nhớ 4 lời khuyên “vàng” sau đây
Để cải thiện các triệu chứng của eczema, đồng thời nâng cao sức khỏe, người mắc nên thực hiện một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tăng cường bổ sung thực phẩm có lợi và hạn chế đồ ăn không tốt. Bài viết sẽ mách bạn 4 mẹo nhỏ để đối phó với bệnh eczema.
1. Bổ sung thực phẩm giàu axit béo omega - 3
Chắc hẳn, nhiều người đã biết đến công dụng tuyệt vời của axit béo omega – 3 đối với cơ thể, nhất là sức khỏe của làn da. Các nghiên cứu cho thấy, axit béo omega - 3 có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh eczema. Trong một nghiên cứu lâm sàng, 44 bệnh nhân bị bệnh eczema đã được chia làm 2 nhóm. Một nhóm bổ sung 5,7 gam axit béo omega - 3 mỗi ngày và nhóm còn lại thì không. Kết quả cho thấy: Sau 8 tuần, những người sử dụng axit béo omega - 3 giảm đáng kể các triệu chứng bệnh eczema của họ. Những tác dụng có được là nhờ đặc tính chống viêm của loại axit béo này. Không phải loại thực phẩm nào cũng có chứa axit béo omega - 3. Một số thực phẩm giàu axit béo omega - 3 đó là: Hạt lanh, quả óc chó, đậu nành, cá vùng nước lạnh như cá hồi, cá tuyết, cá bơn…
2. Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Các gốc tự do chính là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý, có thể làm bệnh eczema nặng lên. Bổ sung các chất chống oxy hóa như quercetin, curcumin cho cơ thể giúp chống lại các gốc tự do. Quercetin là một flavonoid có đặc tính chống oxy hóa, kháng histamin và kháng viêm. Các nghiên cứu cho thấy, nó có thể giúp giảm các triệu chứng của eczema. Nguồn thực phẩm giàu quercetin bao gồm táo, rượu vang đỏ, bông cải xanh, nho, anh đào, trái cây họ cam quýt, mâm xôi, nam việt quất…
Curcumin là một chất tự nhiên có trong củ nghệ. Nghệ đã được sử dụng trong y học để chữa trị nhiều bệnh lý. Curcumin đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm mạnh, từ đó sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng liên quan đến bệnh eczema. Người bị bệnh eczema nên ăn những loại thực phẩm chứa quercetin hoặc có thể thêm nghệ vào đồ ăn.
3. Tránh các thực phẩm gây dị ứng
Bệnh eczema có thể tái phát khi tiếp xúc với hóa chất hoặc thực phẩm gây dị ứng. Do đó, việc tránh các thực phẩm gây dị ứng sẽ giúp hạn chế bệnh eczema bùng phát. Người bệnh cần xác định được thực phẩm nào là nguyên nhân làm nặng thêm tình trạng eczema. Những thực phẩm này có thể là hải sản, sữa, ngô, trứng, sò, lúa mì (gluten)…
Các chất gây dị ứng phổ biến khác với bệnh eczema bao gồm các chất phụ gia thực phẩm và chất bảo quản như benzoates, tartrazine, bột ngọt và sulfite. Benzoates là chất bảo quản kháng khuẩn được thêm vào nhiều loại nước ngọt và một số sản phẩm khác. Tartrazine là một phẩm màu nhân tạo được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn như rau đóng hộp, nước giải khát, bánh kẹo, ngũ cốc, khoai tây chiên, nước chấm, mì, bơ, pho mát. Bột ngọt là một gia vị không thể thiếu trong các món châu Á. Sulfite được sử dụng làm chất bảo quản trong nhiều loại thực phẩm đóng gói và đồ uống có cồn. Cách tốt nhất giúp người mắc eczema tránh các chất phụ gia và chất bảo quản là lựa chọn thực phẩm hữu cơ, chưa qua chế biến.
4. Bổ sung thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu, có vai trò quan trọng với sức khỏe của cơ thể và làn da. Kẽm còn giúp duy trì chức năng sinh sản, hoạt động của hệ miễn dịch và làm lành vết thương. Bên cạnh đó, kẽm còn sở hữu đặc tính chống oxy hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy, kẽm có thể làm giảm triệu chứng của bệnh eczema (giảm ngứa, bong vẩy da, chống viêm, tăng tái tạo biểu mô). Người mắc bệnh eczema có thể bổ sung nguyên tố kẽm từ một số loại thực phẩm như: Hải sản (đặc biệt là hàu, sò, cua), nấm, yến mạch, các loại đậu… Để cho kẽm được hấp thu tốt, có thể uống kèm vitamin B6.
Dược sĩ Đoàn Thu