Chàm sữa là căn bệnh ngoài da mà nhiều bé gặp phải, đặc biệt là chàm sữa ở cổ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị chàm sữa ở cổ.
Các nguyên nhân gây chàm sữa ở cổ
Trẻ có thể bị chàm sữa do cơ địa hay yếu tố di truyền. Nguyên nhân khiến vùng cổ của trẻ dễ xuất hiện chàm sữa hơn các vị trí khác thường do khu vực này có nhiều nếp gấp nên mồ hôi, bụi bẩn rất dễ bị đọng lại. Chính điều này là tác nhân gây kích ứng da và dẫn đến tình trạng chàm sữa ở trẻ.
Ngoài ra, nếu vùng cổ của bé không được vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng, mồ hôi tích tụ lại gây ẩm ướt cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Một trong những bệnh mà vi khuẩn có thể gây ra trên làn da của bé là chàm sữa.
Sữa, đồ ăn thừa, nước dãi của trẻ sơ sinh chảy xuống vùng cổ
Khi trẻ bú hay lúc ăn, thức ăn rất dễ bị rơi xuống vùng cổ, đọng lại ở các nếp gấp cổ. Nếu mẹ không để ý vệ sinh sạch sẽ cho bé rất dễ tạo điều kiện cho đồ ăn thừa lên men, vi khuẩn phát triển gây chàm sữa. Ngoài chàm ở cổ thì chàm sữa ở mặt cũng xảy ra do nguyên nhân này.
Sữa, đồ ăn thừa, nước dãi của trẻ sơ sinh chảy xuống vùng cổ gây bệnh chàm
Trẻ sơ sinh chưa thể tự giữ thẳng cổ
Ở trẻ sơ sinh, hệ xương chưa phát triển toàn diện, do đó bé chưa thể tự giữ thẳng cổ. Đầu của bé luôn có xu hướng áp sát vào vai hay cúi xuống. Điều này làm cho vùng cổ luôn có nhiệt độ cao hơn bình thường từ đó cũng nhiều mồ hôi hơn. Mồ hôi đọng lại lâu ở cổ bé có thể gây kích ứng da, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây chàm sữa.
Dấu hiệu điển hình của chàm sữa ở cổ trẻ sơ sinh
Nếu tinh ý, chỉ cần nhìn vào da vùng cổ là mẹ có thể phát hiện sớm được bé có bị chàm sữa ở cổ hay không. Chàm sữa ở cổ bé có những dấu hiệu điển hình và thay đổi qua từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn đầu, da vùng cổ sẽ xuất hiện những vết đỏ, khi sờ vào có cảm giác ấm nóng. Bé ngứa ngáy, khó chịu.
- Sau 1-2 ngày, trên da bé sẽ có những mụn nước li ti, dịch trong nổi lên. Ban đầu mụn xuất hiện ở ngấn trước cổ rồi lan ra các vùng xung quanh.
- Các mụn li ti này lớn dần và sau 2-3 ngày sẽ bị vỡ ra, chảy dịch. Ở giai đoạn này, các nốt chàm sữa ở cổ rất dễ bị nhiễm khuẩn gây sưng, đau nếu không được chăm sóc tốt.
- Sau khi vỡ ra, vùng da bị chàm sữa ở trẻ sơ sinh sẽ khô dần, đóng vảy. Cuối cùng bong vảy, ăn da non và da được phục hồi dần dần.
Khi bắt đầu thấy các dấu hiệu chàm cổ ở bé trong giai đoạn đầu, bạn nên sớm tìm kiếm giải pháp điều trị phù hợp.
Mụn nước li ti, dịch trong là dấu hiệu chàm sữa ở cổ trẻ sơ sinh
Bé bị chàm sữa phải làm sao?
Trong điều trị chàm sữa cho trẻ sơ sinh cần phải đảm bảo kết hợp giữa chăm sóc, làm ẩm da, giảm ngứa,... Do vậy, nếu bé đang bị chàm sữa ở cổ, bạn nên:
Vệ sinh sạch sẽ vùng cổ cho bé
Mẹ nên vệ sinh sạch sẽ vùng cổ hành ngày cho bé. Đặc biệt phải luôn giữ cho vùng da này khô thoáng để tránh các vết chàm bị loét, lan rộng. Sau khi đi ra ngoài về cũng cần phải lau cổ cho bé để loại bỏ bụi bẩn.
Ngoài ra, nếu cho bé bú sữa hay ăn dặm cũng nên quấn một chiếc khăn mỏng hay yếm để tránh đồ ăn rơi vãi. Không nên quấn khăn quá chặt vì có thể cọ xát vào các vết chàm gây đau hay loét.
Quấn một chiếc khăn mỏng hay yếm cho bé để tránh đồ ăn rơi vãi vào vết chàm
Cho bé mặc những loại áo không có cổ hay cổ mềm
Nếu mặc áo cao cổ hay áo vải cứng rất dễ cọ xát vào vết chàm. Lúc này, da của bé sẽ bị tổn thương nặng hơn, làm chậm quá trình phục hồi.
Chính vì vậy, nên cho trẻ sơ sinh bị chàm sữa mặc áo không có cổ để cổ khô thoáng, tránh đọng mồ hôi. Tốt nhất nên lựa chọn quần áo vải cotton cho bé. Nếu đi ra ngoài, bạn cũng có thể dùng một chiếc khăn mỏng che cổ cho bé.
Sử dụng thuốc điều trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Khi bé bị chàm sữa, tốt nhất mẹ nên đưa đi khám để xác định nguyên nhân và bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể. Tùy vào mức độ chàm sữa của bé mà bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc hay chọn loại giống của bé khác cũng đang bị chàm cho con mình. Thuốc điều trị chàm sữa ở cổ gồm thuốc bôi và thuốc uống:
- Thuốc bôi dưỡng ẩm da: Kem dưỡng ẩm làm mềm, dịu da, giảm mức độ nặng của bệnh và ngăn ngừa tái phát. Khi thấy bé xuất hiện dấu hiệu chàm sữa ở cổ trong giai đoạn đầu, mẹ có thể lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm để điều trị cho con. Tuy nhiên cũng nên tham khảo kiến của các chuyên gia da liễu. Một số kem dưỡng ẩm an toàn cho da bé như cetaphil, physiogel…
- Thuốc bôi chàm sữa ở cố chứa kẽm oxyd: Thuốc kẽm oxyd có tác dụng sát khuẩn nhẹ và làm săn da. Do đó, phù hợp ở giai đoạn bán cấp để phòng ngừa bội nhiễm, làm mềm da. Kẽm oxyd tương đối an toàn khi sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên không sử dụng kẽm oxyd khi vết chàm sữa ở cổ có hiện tượng nhiễm khuẩn hay có dịch rỉ.
- Thuốc bôi chứa chất chống viêm: Thuốc chứa chất chống viêm được sử dụng bôi tại chỗ trong giai đoạn cấp của chàm sữa ở cổ. Thuốc này có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, từ đó làm giảm các triệu chứng của chàm sữa. Chất chống viêm corticoid được xem là thuốc có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh da liễu. Tuy nhiên, corticoid có thể gây ra các tác dụng toàn thân do đó chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc bôi kháng histamin H1: Khi bé bị chàm sữa có thể gặp phải tình trạng ngứa tại các vết chàm. Nếu hiện tượng ngứa ảnh hưởng đến ăn uống hay giấc ngủ của bé có thể cân nhắc sử dụng thuốc kháng histamin H1. Để tránh gây ra các tác dụng phụ cho bé, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia da liễu. Một số thuốc kháng histamin H1 được sử dụng trong điều trị chàm sữa ở cổ gồm loratadine, diphenhydramine….
- Thuốc kháng sinh dùng đường uống hoặc bôi: Thuốc kháng sinh sẽ được lựa chọn khi chàm sữa ở cổ có dấu hiệu bội nhiễm. Thông thường, thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng từ 7-10 ngày để có thể diệt được vi khuẩn đồng thời ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Kháng sinh được ưu tiên lựa chọn là các loại có hoạt tính lên tụ cầu vàng như erythromycin, cephalexin, oxacillin…. Nhóm thuốc này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ nên phụ huynh cần theo dõi các biểu hiện bất thường của bé và báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.
Sử dụng thuốc để điều trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh
>>>XEM THÊM: Cách chữa chàm sữa cho bé hiệu quả nhanh có thể mẹ chưa biết
Giải pháp tự nhiên hỗ trợ điều trị chàm sữa ở cổ
Làn da mỏng, nhạy cảm của bé rất dễ bị kích ứng. Do vậy, khi điều trị chàm sữa ở cổ cho bé nên lựa chọn những loại có nguồn gốc từ tự nhiên. Bạn có thể sử dụng sản phẩm chứa các thành phần tự nhiên như chiết xuất vỏ núc nác, dầu dừa, tinh dầu hạt neem... kết hợp thêm chất chống nhiễm khuẩn, giảm viêm an toàn cho da nhạy cảm như kẽm salicylate, nano bạc…
Chiết xuất vỏ núc nác làm tăng tốc độ chống oxy hóa, kháng khuẩn. Kết quả này đã được nhóm tác giả Patchima Sithisarn và cộng sự chứng minh. Tinh dầu hạt neem được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn cao hơn cả hợp chất hóa học giúp khử trùng và sát trùng chlorhexidine (nghiên cứu của Vaibhav Bansal và cộng sự năm 2019). Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh dầu dừa có tác dụng cải thiện các triệu chứng rối loạn da bằng cách dưỡng ẩm và làm dịu da.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Contact Dermatitis cho biết: 73% số bệnh nhân chàm tham gia nghiên cứu đã được cải thiện tích cực triệu chứng sau khi bổ sung kẽm với liều 60mg/ngày trong vòng 1 tháng.
Dầu dừa, chiết xuất vỏ núc nác, chiết xuất hạt neem có tác dụng tốt trong điều trị chàm sữa ở cổ đã được chứng minh trên lâm sàng
Biện pháp phòng tránh chàm sữa ở cổ, chàm sữa ở mặt
Để phòng tránh chàm sữa ở cổ, ở mặt cho bé, phụ huynh nên áp dụng một số biện pháp sau:
- Giữ cho phòng của bé luôn được khô thoáng, không có khói thuốc, nước hoa hay lông động vật. Đồng thời giữ nhiệt độ của phòng không quá nóng hoặc quá lạnh.
- Chọn cho bé quần áo rộng rãi. Nên chọn vải cotton dễ thấm hút mồ hôi.
- Vệ sinh sạch sẽ cho bé thường xuyên, đặc biệt là vùng da nhiều nếp gấp như cổ. Vệ sinh mặt, miệng, cổ, tay ngay sau khi cho bé ăn.
- Nên bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên, lưu ý chọn những loại phù hợp với da của bé.
- Loại bỏ những thực phẩm khiến bé bị dị ứng. Nếu bé còn bú, mẹ cũng cần loại bỏ thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn.
Hy vọng rằng, bài viết này sẽ giúp ba mẹ tìm ra giải pháp khi bé yêu bị chàm sữa ở cổ. Nếu bạn còn thắc mắc nào, hãy ghi lại thông tin dưới phần bình luận để được các chuyên gia hỗ trợ sớm nhất.
Nguồn tham khảo:
https://www.webmd.com/parenting/baby/baby-eczema-questions-answers#1
https://www.everydayhealth.com/eczema/guide/baby-eczema/
https://www.healthline.com/health/eczema/toddler-eczema#causes