Trẻ sơ sinh bị chàm sữa ở mặt là bệnh lý da liễu phổ biến, còn được biết đến với tên gọi lác sữa. Mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng chàm sữa lại không có thuốc đặc trị. Vậy nếu bé bị chàm sữa mẹ cần làm gì? Hãy theo dõi bài viết này để trang bị kiến thức cần thiết, sẵn sàng cùng con đối mặt với các vấn đề “khó nhằn” này, mẹ nhé!
Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị chàm sữa ở mặt
Từ khi mới sinh cho đến hết năm đầu đời là lúc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ mắc bệnh lý da liễu như chàm sữa. Khoảng 6 tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh bị chàm sữa ở mặt là chủ yếu và sau đó sẽ lan sang các khu vực khác. Đến năm 1 tuổi, trẻ bắt đầu dễ bị chàm da ở khuỷu tay hay đầu gối do cọ xát nhiều khi tập bò, tập đi. Ngoài ra, mẹ cũng có thể “bắt mạch” tình trạng chàm sữa ở bé khi:
- Xuất hiện các nốt mẩn đỏ chứa đầy dịch, nổi thành đám nhỏ trên má và lan sang vùng dưới mắt hay nặng hơn là khắp cả mặt.
- Da dày lên và sạm thấy rõ, khi sờ vào sẽ thấy khô ráp, căng cứng.
- Ngứa ngáy, đặc biệt là vào ban đêm khiến bé khó chịu, quấy khóc và mất ngủ.
- Nguy hiểm nhất là các nốt ban đỏ chứa đầy dịch này có thể bị vỡ khi bé gãi và làm nhiễm trùng da.
- Ngoài các dấu hiệu ngoài da, trẻ cũng có thể biểu hiện các triệu chứng như dị ứng hay hen suyễn khi bị chàm sữa.
Các nốt mẩn đỏ chứa đầy dịch xuất hiện là dấu hiệu đầu tiên khi trẻ sơ sinh bị chàm sữa
>>>XEM THÊM: Chàm sữa ở trẻ - Cùng mẹ tìm hiểu tất tần tật điều nên biết
Những yếu tố gây bùng phát chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Đến nay, các chuyên gia da liễu vẫn chưa kết luận được nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng trẻ sơ sinh bị chàm sữa ở mặt. Nhưng một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng khả năng mắc chàm da ở trẻ sơ sinh:
- Da khô khi thời tiết chuyển lạnh khiến mặt bé dễ bị nổi chàm sữa.
- Tiếp xúc với các tác nhân kích thích như phấn hoa, bụi, bọ nhà, hóa chất trên vật dụng gia đình như nước sơn,... Hoặc trường hợp kích ứng do sợi vải khi mẹ cho bé mặc quần áo bó sát và quá dày.
- Bé bị đổ nhiều mồ hôi và nóng nực.
- Dị ứng với lông động vật, một số loại xà phòng hay nước hoa cũng dễ làm trẻ sơ sinh bị chàm sữa ở mặt.
Cách trị chàm sữa ở mặt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh bị chàm sữa ở mặt cần sự phối hợp giữa ba mẹ và bác sĩ trong việc dùng thuốc bôi theo toa cũng như chăm sóc da tại nhà, bao gồm:
Điều trị bằng thuốc corticosteroid dùng bôi tại chỗ
Bác sĩ có thể kê đơn các loại kem thuốc, gel thuốc hay dạng chai xịt có chứa corticosteroid dùng bôi tại chỗ cho trẻ bị chàm sữa ở mặt. Loại thuốc này nhằm làm giảm viêm da và cải thiện các triệu chứng ngứa, rát cho bé. Lưu ý rằng da trẻ sơ sinh nhạy cảm hơn rất nhiều lần so với người lớn, mẹ cần đảm bảo dùng đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ cho bé. Tốt nhất là bôi thuốc sau khi tắm và trước khi dùng kem dưỡng ẩm da.
Điều trị cho trường hợp trẻ bị chàm sữa ở mặt với thuốc corticosteroid dạng bôi ngoài da
Tắm với dung dịch sát khuẩn giúp điều trị chàm ở trẻ sơ sinh
Liệu pháp này thường hiếm được áp dụng ở trẻ sơ sinh, chỉ với các trường hợp chàm sữa “cứng đầu”, khó kiểm soát. Dung dịch sát khuẩn được pha loãng sẽ giúp làm dịu các vết ngứa khô ráp trên da của trẻ và giảm tình trạng viêm nhiễm. Lưu ý, để tránh làm kích ứng làn da vốn đã nhạy cảm của trẻ, mẹ cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ khi tắm với thuốc sát khuẩn một cách cẩn thận.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị chàm sữa ở mặt bố mẹ nên biết
Bên cạnh việc tuân thủ các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, chăm sóc da cho trẻ bị chàm sữa ở mặt đúng cách chính là “chìa khóa” để bố mẹ giúp con kiểm soát tốt tình trạng da liễu này. Bằng cách làm sạch và dưỡng ẩm đầy đủ, da của trẻ có thể cải thiện rõ rệt tình trạng khô căng và ngứa ngáy. Cụ thể như sau:
Tắm cho trẻ đúng cách
Tắm gội thường xuyên sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn và ngăn ngừa các tác nhân kích ứng tích tụ trên da. Khi tắm cho trẻ, bố mẹ nên tắm với nước ấm (không sử dụng nước nóng) và lựa chọn các loại xà phòng dịu nhẹ, tốt nhất là không có mùi hương. Tránh chà xát trên da bé quá nhiều, đặc biệt là chà xát với khăn khô.
Tắm gội sạch sẽ giúp cải thiện tình trạng viêm da ở trẻ
Thoa kem dưỡng ẩm dành cho da bị chàm sữa
Bố mẹ nên thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm cho bé, tốt nhất là ngay sau khi tắm. Ưu tiên lựa chọn các loại kem dưỡng da có tác dụng làm sạch da và kháng khuẩn kết hợp với giữ ẩm chứa các thành phần hoạt chất như kẽm, nano bạc hay chiết xuất thiên nhiên,... Trong một nghiên cứu năm 2014, kẽm oxyd dạng bôi ngoài da được chứng minh có đặc tính kháng viêm và tăng tái tạo biểu mô hiệu quả cho việc hỗ trợ điều trị bệnh chàm da. Đồng thời, từ trước đến nay, kẽm cũng đã được dùng trong tã lót nhằm ngăn ngừa tình trạng viêm da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Tránh xa các tác nhân làm bé bị chàm ở mặt
Một số tác nhân thường gây kích ứng da phải kể đến là phấn hoa, lông của thú cưng, bột giặt hay xà phòng có hương thơm, các sợi vải rơi ra từ chăn, gối,... Những tác nhân này khi có cơ hội tiếp xúc với làn da nhạy cảm của trẻ đều có khả năng gây kích ứng. Từ đó làm cho trẻ sơ sinh bị chàm sữa ở mặt và nhiều bộ phận khác trên cơ thể.
Những lưu ý quan trọng trong điều trị và phòng tránh chàm sữa cho trẻ sơ sinh
Chàm sữa tuy không nguy hiểm nhưng có thể gây ra nhiễm trùng da cho trẻ và dễ tái phát nếu mẹ không nắm rõ cách để phòng tránh, kiểm soát. Ví dụ như khi chọn chất liệu quần áo hay xà phòng tắm, mẹ cũng cần chú ý để tránh gây kích ứng cho da trẻ. Dưới đây là những lời khuyên cụ thể từ các bác sĩ nhi khoa dành cho mẹ:
- Cho trẻ bú sữa mẹ tối thiểu là 6 tháng sau sinh và tránh cho trẻ ăn dặm quá sớm, đặc biệt là những món ăn có nguy cơ gây dị ứng như hải sản, cá, trứng, sữa bò,..
- Lựa chọn quần áo với chất liệu cotton thoáng mát và tránh cho trẻ mặc quần áo bó sát.
- Tránh sử dụng các sản phẩm từ làm sạch đến dưỡng da cho bé có mùi hương (hay thành phần nước hoa, hương liệu).
- Giữ cho móng tay của trẻ gọn gàng, tránh để bé gãi hay cào lên mặt khi bị chàm sữa gây vỡ các mụn nước, làm tình trạng viêm da nặng nề hơn. Khi cần thiết, hãy cho bé mang bao tay để hạn chế tối đa tình trạng này.
- Tránh để bé nóng nực và đổ nhiều mồ hôi.
Hy vọng thông tin trên đây có thể giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức để bình tĩnh ứng phó khi trẻ bị chàm sữa ở mặt hay nhiều bộ phận khác. Nếu có những thắc mắc về tình trạng này, hãy để lại thông tin liên hệ, bác sĩ chuyên môn của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Dược sĩ Đoàn Thu
Nguồn tham khảo:
How to treat baby eczema - Mayo Clinic
How to Treat & Control Eczema Rashes in Children - HealthyChildren.org
Baby or Infant Eczema: Causes, Symptoms, Treatment | Everyday Health