Viêm da dị ứng có lây không? Đó là bệnh gì và có triệu chứng điển hình như thế nào? Đây là những thắc mắc của rất nhiều người khi tiếp xúc với bệnh nhân viêm da dị ứng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này cũng như đưa ra giải pháp an toàn và hiệu quả để cải thiện tình trạng viêm da dị ứng.
Viêm da dị ứng là gì?
Viêm da dị ứng là từ chỉ chung các biểu hiện của một dạng dị ứng. Bệnh lý này thường bùng phát ở mặt và các khu vực lộ ra ngoài quần áo như: Tay, chân,... Đây là tình trạng mạn tính và có xu hướng bùng phát theo từng đợt. Bệnh viêm da dị ứng làm cho da trở nên nóng, khô, đỏ, ngứa và tróc vảy,… đôi khi là cảm giác châm chích hoặc nóng rát,… ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc. Gãi ngứa sẽ làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn và da có thể bị tổn thương, nhiễm trùng.
Nguyên nhân gây viêm da dị ứng rất đa dạng, điển hình nhất phải kể đến:
- Các chất tẩy rửa, dầu gội, xà phòng tắm, kem đánh răng,…
- Nước hoa và sản phẩm chứa nước hoa.
- Mỹ phẩm.
- Kim loại và các sản phẩm chứa kim loại.
- Thuốc nhuộm.
- Một số loại chất bảo quản.
- Các yếu tố thời tiết.
- Một số loại cây, côn trùng độc
- Yếu tố cơ địa, di truyền.
Trên đây là những yếu tố phổ biến gây nên nhiều bệnh ngoài da, trong đó có viêm da dị ứng. Một trong các phương pháp hữu hiệu nhất để cải thiện bệnh lý này là hạn chế tiếp xúc với những tác nhân trên.
Triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng
Chúng ta thường dễ nhầm lẫn giữa các bệnh ngoài da với nhau, trong khi cách điều trị của chúng thì không giống nhau. Thực chất, viêm da dị ứng có các biểu hiện rất đặc trưng giúp bạn dễ dàng phân biệt được bệnh. Nếu muốn điều trị sớm, bạn đừng chủ quan khi cơ thể có những dấu hiệu sau:
Ngứa, nổi mẩn và khô da
Đây là một trong những triệu chứng điển hình mà bệnh nhân viêm da dị ứng thường mắc phải. Những cơn ngứa xuất hiện khắp nơi trên cơ thể, gãi làm cường độ ngứa tăng lên. Đặc biệt lúc về đêm, cơn ngứa có xu hướng nghiêm trọng hơn do nhiệt độ và độ ẩm giảm, làm da bị khô.
Phát ban
Theo nhiều chuyên gia, đây là một trong những dấu hiệu điển hình để phân biệt triệu chứng viêm da dị ứng với các bệnh khác. Phát ban thường xuất hiện ở mặt, cổ, phía sau đầu gối, ngực,… Đây là dấu hiệu viêm da dị ứng đặc trưng và cho thấy bệnh đã ở mức độ nặng.
Chảy dịch tiết và sưng vù
Tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh dùng tay gãi nhiều, khiến da bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, gây viêm nhiễm. Lúc này, có sự xuất hiện mụn nước, khi gãi sẽ làm chúng vỡ ra và đóng dịch tiết.
Da thô cứng, dày và sần sùi
Dịch tiết tích tụ lâu dần sẽ làm cho da có cảm giác khô cứng, gây mất thẩm mỹ. Hơn nữa, tình trạng bệnh không chữa dứt điểm, tái phát nhiều lần làm da bị tổn thương sâu hơn và không thể phục hồi hoàn toàn.
Những triệu chứng viêm da dị ứng khác
Ngoài những biểu hiện kể trên, bệnh viêm da dị ứng còn gây những phản ứng toàn thân như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn,… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc của người bệnh.
Những triệu chứng của viêm da dị ứng thường dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh ngoài da khác. Thậm chí, nhiều người còn chủ quan và để cho những biểu hiện trên nặng hơn hoặc lan rộng khắp cơ thể. Chính vì vậy, để bệnh không trở nên trầm trọng, khó chữa, bạn nên chú ý hơn những dấu hiệu bất thường trên cơ thể mình.
Viêm da dị ứng có lây không?
Nhiều người thắc mắc: Viêm da dị ứng có lây không bởi những tổn thương trên da do bệnh trông khá đáng sợ. Phải khẳng định, viêm da dị ứng không lây. Bệnh lý này có tính chất cơ địa, do đó, nó chỉ xảy ra trên những người có cơ địa dị ứng hoặc bộc phát do hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Mỗi cá thể thường dị ứng với một số tác nhân gây kích ứng da khác nhau. Chính vì vậy, sẽ không xảy ra tình trạng bệnh lây từ người này sang người kia khi có những tiếp xúc gần như: Bắt tay, ngồi sát, ôm,…
Thông thường, một số người có tâm lý ngại tiếp xúc với những ai mắc bệnh ngoài da. Tuy nhiên, ngoài vấn đề gây mất thẩm mỹ và khó chịu cho người bệnh, viêm da dị ứng không lây và không làm nguy hiểm đến tính mạng.
Dược sĩ Đoàn Thu