Bệnh chàm đồng xu gây ngứa ngáy, khó chịu. Nó thường diễn biến dai dẳng và rất khó để trị khỏi hoàn toàn. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và năng suất lao động cũng như gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp xã hội. Tin mừng là bạn vẫn có thể kiểm soát được nó nếu như biết áp dụng đúng “bí kíp”. Hãy cùng tìm hiểu!
Bệnh chàm đồng xu: Định nghĩa và triệu chứng
Chàm đồng xu (eczema thể đồng tiền) là một trong những thể chàm thường gặp. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng viêm da mạn tính. Thương tổn do chàm đồng xu có ranh giới rõ ràng so với những vùng da xung quanh và thường gây ngứa ngáy dai dẳng. Thể chàm này thường xảy ra nam giới từ 55 – 65 tuổi, rất ít gặp ở phụ nữ và thanh thiếu niên. Bệnh dễ tái phát nhưng hầu hết đều có đáp ứng tốt nếu được chăm sóc và điều trị kịp thời.
Hiện nay, chàm đồng xu và các thể khác của bệnh chàm đều không thể chữa trị hoàn toàn. Mục tiêu chính của quá trình điều trị là làm giảm thương tổn da, ngăn ngừa biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tái phát.
Triệu chứng phổ biến và đáng chú ý nhất của chàm thể đồng xu là các vết loét hình tròn như đồng tiền hoặc oval trên cơ thể. Chúng thường xuyên xuất hiện trên cánh tay hoặc chân nhưng cũng có thể lây lan khắp người. Các tổn thương thường màu nâu, hồng, đỏ, ngứa, rỉ nước, khô, hay có vảy. Da trên và xung quanh vết thương có thể bị đỏ, khô, đóng vảy hoặc bị viêm.
Nguyên nhân gây chàm đồng xu
Hiện vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh chàm đồng xu. Nhiều người mắc bệnh này có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị dị ứng, hen suyễn hoặc viêm da dị ứng,... Thông thường, những người bị chàm thể đồng xu có da nhạy cảm và rất dễ bị kích thích.
Những yếu tố sau đây có thể khiến triệu chứng bệnh trầm trọng hơn:
- Thay đổi nhiệt độ.
- Căng thẳng, thiếu ngủ kéo dài.
- Da khô.
- Chất gây kích ứng từ môi trường, chẳng hạn như xà phòng, chất tẩy rửa, kim loại và formaldehyde.
- Một số trường hợp hiếm xảy ra do dị ứng thuốc.
Các bệnh và điều kiện sau đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh chàm thể đồng xu:
- Sống trong khí hậu lạnh, khô.
- Da bị mất độ ẩm tự nhiên.
- Bị chàm thể khác hoặc viêm da.
- Da bị tổn thương (do chấn thương, côn trùng cắn,...).
- Nhiễm trùng do vi khuẩn trên da.
Cách cải thiện bệnh chàm đồng xu
Để chẩn đoán bệnh chàm thể đồng xu, chuyên gia thường sẽ hỏi về bệnh sử gia đình và quan sát, kiểm tra làn da của bạn. Sinh thiết da (lấy một mảnh da nhỏ để kiểm tra) có thể sử dụng để loại trừ các bệnh lý khác, chẳng hạn như nhiễm trùng.
Nếu có nghi ngờ tổn thương là do phản ứng dị ứng, chuyên gia cũng có thể làm các xét nghiệm dị ứng. Xét nghiệm này bao gồm: Kiểm tra da, xét nghiệm máu, nghiệm pháp dị nguyên để xác định chất nào gây dị ứng cho bạn, nếu có.
Hiện vẫn chưa có phương thức chữa trị đặc hiệu cho bệnh chàm đồng xu. Tuy nhiên, thay đổi lối sống và tránh xa các chất gây bệnh là cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng này.
Cụ thể, bạn cần TRÁNH:
- Mặc trang phục bằng len hoặc chất liệu dễ gây kích ứng khác.
- Tắm quá nhiều với nước nóng vì dễ làm khô da.
- Sử dụng xà phòng tẩy rửa mạnh.
- Căng thẳng kéo dài.
- Tiếp xúc với các chất kích ứng từ môi trường (chất tẩy rửa, hóa chất,…).
- Để xuất hiện vết trầy xước trên da.
Để giảm nhẹ bệnh chàm đồng xu, bạn NÊN:
- Sử dụng băng ẩm để che và bảo vệ vùng bị ảnh hưởng.
- Ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng.
- Ăn uống đủ chất, nên dùng nhiều rau xanh, quả tươi và những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (quả hạch, cá béo,…).
- Dùng thuốc kháng histamin, corticoid (tại chỗ hoặc đường uống) theo chỉ định của chuyên gia để giảm ngứa và khó chịu. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý dùng những thuốc tây này vì chúng có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường, ví dụ như: Gây mỏng da, đục thủy tinh thể, còi xương ở trẻ em,… Có thể áp dụng liệu pháp tia cực tím nếu triệu chứng ngứa quá trầm trọng.
Do chàm đồng xu là bệnh mạn tính nên nó có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn. Tốt nhất, bạn nên tránh các yếu tố khiến cho triệu chứng bệnh trở nên xấu hơn. Một số tổn thương có thể mất đi hoàn toàn, trong khi số khác sẽ tái phát liên tục. Nếu không được điều trị sẽ dẫn tới nhiễm trùng da thứ cấp, làm xuất hiện lớp vảy vàng cứng che phủ vết thương. Khi đó, bạn sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh.
Dược sĩ Đoàn Thu