Viêm da dị ứng là tình trạng mạn tính làm cho da trở nên nóng đỏ, khô và tróc vảy. Bệnh khiến bạn ngứa rất nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày. Khi ngứa, thói quen cào, gãi làm các mụn nước vỡ ra, gây lở loét. Đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng - biến chứng phổ biến của sự phá hủy hàng rào da do vi khuẩn hoặc vi sinh vật khác. Hãy nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để ngăn tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn.
“Vạch trần” lý do tại sao viêm da dị ứng gây lở loét
Viêm da dị ứng là do sự kết hợp của các yếu tố di truyền, miễn dịch học và môi trường. Những người bị viêm da dị ứng đôi khi có sự giảm hoặc thiếu filaggrin trong da. Filaggrin là một protein đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc và hình thành lớp giác mạc ngoài cùng của da. Việc thiếu filaggrin đã được bắt nguồn từ các đột biến di truyền trong gen FLG. Không có đủ filaggrin trong các lớp da khiến hàng rào da bị hư hại, dẫn đến giảm khả năng duy trì lượng nước tự nhiên của da, cũng như các vết loét và phát ban của viêm da dị ứng. Hàng rào da bị hư hại cho phép các chất gây dị ứng trong không khí xâm nhập vào da, điều này có thể dẫn đến phản ứng viêm của hệ miễn dịch.
Một lý thuyết khác cho thấy, độ pH bình thường của hàng rào da có thể bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt filaggrin, dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Điều này sau đó có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch gây tổn thương da. Ngoài ra, còn có bằng chứng mới chỉ ra rằng, rối loạn chức năng trong hệ miễn dịch ở những người bị viêm da dị ứng không chỉ gây bệnh mà còn làm giảm lượng filaggrin chức năng, dẫn đến gia tăng tình trạng viêm. Như đã nói, bệnh viêm da dị ứng được biểu hiện bằng những cơn ngứa, càng ngứa thì càng gãi nhiều hơn, nhưng càng gãi thì lại càng ngứa. Đối với trường hợp không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những dấu hiệu giống như bị lở loét, bọng mủ, chảy dịch, đóng ván,… lúc này vết thương rất dễ bị nhiễm trùng.
Nhiễm trùng do vi khuẩn và viêm da dị ứng
Staphylococcus aureus, thường được gọi là “staph”, là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trên da của người bị viêm da dị ứng. Hơn 90% tổn thương da khi mắc bệnh được tìm thấy có tụ cầu khuẩn, so với 5% trên da của người khỏe mạnh. Với làn da bình thường, hàng rào da và mức độ pH của da giữ cho số lượng tụ cầu thấp. Nhưng ở những người bị viêm da dị ứng, hàng rào da bị tổn thương, mức độ pH bị thay đổi và có thể giảm đáp ứng miễn dịch để chống lại vi khuẩn. Điều này cho phép vi khuẩn nhân lên. Ngoài ra, các tổn thương do viêm da dị ứng dường như cung cấp một bề mặt tốt hơn cho sự phát triển của staph bởi viêm và vết nứt trên da. Số lượng lớn tụ cầu tạo ra các độc tố kích thích hệ miễn dịch và làm trầm trọng thêm tình trạng lở loét trong viêm da dị ứng.
Nhiễm virus và viêm da dị ứng
Do rối loạn chức năng trong hệ thống miễn dịch, những người bị viêm da dị ứng có nguy cơ bị nhiễm siêu vi khuẩn nghiêm trọng trên da, bao gồm herpes simplex, mụn cóc và molluscum contagiosum (nhiễm trùng poxvirus). Nhiễm virus herpes simplex là khá phổ biến. Và bởi vì đây là tác nhân truyền nhiễm, bạn nên tránh tiếp xúc trực tiếp với một người có vết loét do viêm da. Do viêm da dị ứng làm tổn thương hàng rào bảo vệ da, những loại virus này có khả năng lây lan và đe dọa đến tính mạng. Việc điều trị được tùy chỉnh theo loại virus và có thể bao gồm thuốc kháng virus, trị liệu bằng phương pháp lạnh (sử dụng khí cực lạnh để đóng băng khu vực bị nhiễm bệnh) hoặc điều trị tại chỗ.
Tiến Minh