Chàm sữa là bệnh lý ngoài da thường gặp ở trẻ em, nhất là những bé sơ sinh. Nhiều cha mẹ muốn biết: “Trẻ bị chàm sữa tắm lá gì thì mau khỏi?”. Bởi tuy bệnh lý này không quá nguy hiểm, nhưng lại có thể gây ra những biến chứng phức tạp về sau, khiến bé khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ nếu không được quan tâm đúng cách và kịp thời. Vậy chàm sữa là gì, làm sao để cải thiện hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu!
Chàm sữa là gì?
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh có nhiều tên gọi khác nhau. Có thể nhiều mẹ từng biết đến bệnh này qua những tên như lác sữa, chàm thể tạng, viêm da cơ địa ở trẻ. Không chỉ là một căn bệnh mạn tính, tình trạng này còn rất dễ tái phát. Ở mỗi trẻ, bệnh sẽ có các cấp độ khác nhau cũng như các triệu chứng nặng nhẹ tương ứng.
Tình trạng này thường xuất hiện ở vùng da mặt, trán, cổ và má. Nhiều trường hợp, chàm còn lan ra khắp cơ thể, ở chân và tay. Ban đầu có thể chỉ ở dạng hồng ban, sau đó xuất hiện nhiều mụn nước. Một thời gian nữa, những vùng da này có thể nứt, rịn nước bên trong rồi khô lại, đóng vảy và dễ để lại sẹo, thâm nếu không được chăm sóc cẩn thận.
Bệnh chàm sữa thường sẽ kéo dài đến khi trẻ được 2 – 4 tuổi thì có thể biến mất. Nếu phụ huynh không có kiến thức về bệnh cũng như áp dụng sai phương pháp chữa trị, chàm sữa có thể kéo dài mãi không khỏi và dẫn đến viêm da cơ địa, mất thẩm mỹ khi lớn lên. Để trị chàm sữa, bên cạnh việc sử dụng thuốc tây (kem bôi và thuốc uống), cha mẹ có thể tắm cho con bằng các loại lá. Đây là kinh nghiệm dân gian được lưu truyền từ nhiều đời.
Trẻ bị chàm sữa tắm lá gì thì mau khỏi?
Các mẹo dân gian từ cây cỏ giúp cải thiện chàm sữa được nhiều bậc cha mẹ áp dụng bởi tình an toàn và tiện dụng. Vậy trẻ bị chàm sữa tắm lá gì thì mau khỏi? Hãy tham khảo một số phương pháp phổ biến dưới đây:
Lá trầu không
Việc sử dụng lá trầu không không còn xa lạ gì với những bố mẹ có con bị chàm sữa. Theo dân gian, trầu không có tác dụng trị mụn nhọt, mề đay, mẩn ngứa hiệu quả. Chứa hàm lượng lớn của 2 hợp chất chứa gốc phenol, lá trầu không có khả năng ức chế hoạt động của nhiều loại vi khuẩn, nấm gây hại như: Tụ cầu, liên cầu khuẩn, E.coli,... ngăn ngừa tình trạng chàm bội nhiễm hiệu quả. Ngoài ra, các dưỡng chất có ích còn được tìm thấy trong lá trầu không như betel-phenol, chavicol,... giúp làm lành và tái tạo bề mặt da bị tổn thương, cải thiện tình trạng sưng, viêm, ngứa.
Cách thực hiện: Lá trầu không tươi đem đi rửa sạch, đun với nước sôi trong 10 phút rồi pha với nước lạnh. Dùng nước này tắm cho trẻ bị chàm. Thực hiện đều đặn mỗi ngày để thuyên giảm triệu chứng do chàm sữa.
Lá trà xanh
Lá trà xanh được dùng nhiều để trị hăm tã và rôm sảy ở trẻ. Thế nhưng, rất ít người biết rằng, lá chè xanh còn có thể cải thiện bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ nhờ giúp thanh nhiệt, giải độc và làm sạch da.
Với các thành phần như:
- Sterol và catechin giúp chống viêm: Các chất này tham gia vào quá trình ngăn chặn sản xuất yếu tố gây viêm. Catechin còn có khả năng ức chế nhiều vi khuẩn gây hại, ngăn ngừa nguy cơ bội nhiễm.
- Chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E; 1 số loại chất khoáng như kẽm, mangan. Các chất này giúp giảm tổn thương cho tế bào.
- Tanin: Giúp các cấu trúc trên da gắn kết với nhau, tạo hàng rào ngăn ngừa vi khuẩn và chất xâm nhập gây hại cho trẻ.
Cách thực hiện: Trà xanh đem rửa sạch, vò nát rồi cho vào nước sôi. Pha nước trà xanh nóng với nước lạnh cho ấm, phần nước dùng để tắm, phần bã đắp lên người.
Lá khế
Theo đông y, khế tính mát, giúp thanh thải nhiệt độc, nên có thể dùng để điều trị ngứa, dị ứng da,...
Ngoài ra, lá khế chứa thành phần có tính kháng khuẩn, chống viêm nên giúp giảm sưng, viêm do chàm sữa.
Cách thực hiện: Chuẩn bị lá khế tươi, đem đi sơ chế thật sạch. Đun với nước sôi trong khoảng 5 - 10 phút, rồi pha với nước lạnh. Dùng nước này tắm cho bé thường xuyên để triệu chứng ngứa, mẩn đỏ giảm bớt.
Nhược điểm của những biện pháp tắm lá trị chàm sữa
Hiện nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh chàm sữa ở trẻ. Vì vậy, việc điều trị dứt điểm bệnh chàm sữa vẫn là 1 vấn đề nan giải cho các chuyên gia y tế.
Cải thiện chàm sữa bằng tắm lá chỉ là giải pháp tạm thời, hơn nữa, nó cũng có một số nhược điểm sau đây:
- Lá tắm cho bé có thể chứa sâu bọ, bụi bẩn, vi khuẩn,... dễ khiến tình trạng chàm sữa trầm trọng hơn.
- Cách tắm bằng nước lá chỉ có tác dụng làm sạch, cải thiện triệu chứng, giảm ngứa ngáy. Tác dụng này cũng không rõ ràng. Vì vậy, cần phải thật kiên trì.
- Cách tắm bằng nước lá chỉ thích hợp với những bé bị chàm sữa nhẹ hoặc mới chớm bệnh.
- Khi trẻ bị dị ứng hoặc tình trạng chàm sữa nặng, mẹ không nên cho bé tắm lá.
Dược sĩ Đoàn Thu