Tác giả: Phương Thanh
Viêm da tiết bã là một loại của viêm da cơ địa (còn gọi là chàm, eczema), hay bị ở da đầu, đặc trưng bởi các vẩy da, nhờn và rất ngứa. Vậy triệu chứng viêm da tiết bã là gì? Nguyên nhân và cách điều trị ra sao? Hiểu được về viêm da tiết bã sẽ giúp bạn chủ động trong phát hiện và ngăn ngừa bệnh.
Viêm da tiết bã là gì?
Viêm da tiết bã là một bệnh lý trong đó da có biểu hiện đỏ, khô, tróc vảy. Vùng da hay bị ảnh hưởng bởi bệnh thường có tuyến bã hoạt động mạnh mẽ như mặt, da đầu, ngực, lưng. Tuy nhiên, những vùng da khác trên cơ thể cũng có thể mắc bệnh. Trong dân gian, chúng ta hay nghe bệnh “cứt trâu” ở trẻ em, thật ra đó chính là viêm da tiết bã. Bệnh thường mạn tính, khó chữa.
Nguyên nhân gây viêm da tiết bã
Hiện nay, nguyên nhân gây viêm da tiết bã vẫn chưa được hiểu rõ, chỉ biết bệnh có liên quan đến:
- Do gen
- Phản ứng bất thường của hệ miễn dịch
- Một loại nấm có tên là Malassezia hay xuất hiện trong lớp dầu trên da
Viêm da tiết bã có thể gặp ở bất cứ ai, nhất là những người có sức đề kháng yếu hoặc đang mắc các bệnh về thần kinh.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm da tiết bã đó là:
- Căng thẳng, mệt mỏi
- Sự khắc nghiệt về thời tiết
- Da dầu
- Béo phì
- Uống rượu có độ cồn cao hoặc sử dụng các mỹ phẩm có chứa alcohol
- Mắc bệnh về hệ thần kinh và tâm thần (bệnh Parkinson, đột quỵ, trầm cảm)
- Suy giảm hệ miễn dịch như trong ghép tạng, mắc HIV/AIDS, viêm tụy do rượu và một số bệnh ung thư khác
Nhận biết triệu chứng viêm da tiết bã như thế nào?
Vùng da ở đầu, lông mi, lông mày và hai bên sống mũi rất hay bị viêm da tiết bã. Các triệu chứng viêm da tiết bã thường là gàu (đối với da đầu), hăm tã (trẻ nhỏ), da khô, bong vảy, phát ban, ngứa ngáy, đỏ (nhất là ở mũi, trán).
Viêm da tiết bã thường biểu hiện ở các vùng da nhiều dầu như da đầu, lông mày, phía sau tai, mũi, mí mắt và ngực. Triệu chứng chung của viêm da tiết bã dù ở bất cứ vùng da nào bao gồm:
- Mảng da nhờn có vảy màu trắng hoặc hơi vàng, dễ bong tróc
- Có các tổn thương da màu đỏ
- Da nhờn, nhiều dầu
- Lông, tóc tại vùng da mắc viêm da tiết bã hay bị rụng
- Rất ngứa
Tùy theo từng người bệnh cụ thể mà biểu hiện của viêm da tiết bã sẽ khác nhau.
Cần phân biệt viêm da tiết bã với các bệnh:
- Vẩy nến: Cũng gây ra gàu, các mảng da đỏ, thành từng lớp, tróc vảy. Bệnh vẩy nến có nhiều vẩy hơn và vẩy thường màu trắng bạc.
- Viêm da cơ địa dị ứng: Cũng gây ngứa, viêm ở các nếp gấp khuỷu tay, chân, đầu gối và rất hay tái phát.
- Bệnh hồng ban: Thường dẫn đến da đỏ, sưng, có vẩy, nhìn rõ các mạch máu trên khuôn mặt. Tuy nhiên bệnh này hay xảy ra ở mặt và có ít vẩy hơn.
Điều trị bệnh viêm da tiết bã
Việc điều trị viêm da tiết bã sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng cũng như vị trí bạn bị bệnh. Đối với viêm da tiết bã ở da đầu, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh sử dụng một số loại dầu gội đầu không kê đơn có chứa các hoạt chất chống nấm. Một số phương pháp điều trị bao gồm:
- Kem, dầu gội đầu, thuốc mỡ giúp giảm viêm có chứa corticoid (như hydrocortisone, fluocinolone, clobetasol): Người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian ngắn do nếu bôi lâu có thể bị mỏng, teo da, rạn da.
- Kem bôi chứa chất ức chế calcineurin (các hoạt chất như tacrolimus, pimecrolimus): Giúp giảm viêm, có thể hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn thuốc bôi corticoid. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn đầu tay cho bệnh viêm da tiết bã bởi thuốc có thể gây ung thư.
- Dầu gội đầu, thuốc bôi chống nấm: Tùy thuộc vào vùng da bị bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc hay sản phẩm chống nấm có chứa ketoconazol 2% hoặc ciclopirox 1%.
- Thuốc chống nấm dạng viên: Nếu bệnh không đáp ứng với các phương pháp trên, bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thuốc chống nấm toàn thân dạng viên uống. Tuy nhiên, cần thận trọng vì thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.