Chàm chiếm tới ¼ số trường hợp trên tổng số các bệnh ngoài da, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Bài viết này sẽ chỉ ra cho bạn 10 cách chữa bệnh chàm tại nhà cực kỳ đơn giản. Những biện pháp này đều rất lành tính, rẻ tiền, dễ áp dụng và tương đối hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng như: Ngứa, bong tróc,… do bệnh và hạn chế tái phát. Hãy cùng tìm hiểu!
Nguyên nhân gây bệnh chàm
Chàm (eczema, viêm da cơ địa) là bệnh thuộc nhóm viêm da mạn tính, rất khó điều trị dứt điểm. Nó không chỉ gây ra triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu cho người mắc mà còn làm họ cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và đời sống. Bệnh lý này có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào và xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như: Tay, chân, cổ, đầu,… Theo các chuyên gia, hiện nay, vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây nên bệnh lý này, tuy nhiên có thể kể đến một số tác nhân khiến chàm khởi phát như sau:
- Do tiếp xúc: Làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, khói bụi, dùng mỹ phẩm kém chất lượng,… trong một thời gian dài sẽ gây các phản ứng miễn dịch làm cho người bệnh ngứa, gãi nhiều và dần dẫn tới chàm hóa.
- Yếu tố di truyền: Đây được coi là nguyên nhân chính gây ra bệnh chàm và cũng không thể thay đổi được do cấu trúc của gen. Nếu cha hoặc mẹ mắc các bệnh: Viêm da dị ứng, chàm, hen suyễn,… thì tỉ lệ con cái bị chàm sẽ cao hơn người bình thường.
- Rối loạn thần kinh: Tâm lý lo lắng, căng thẳng quá mức có thể dẫn bệnh chàm.
- Thay đổi nội tiết: Phụ nữ mang thai, trong thời kỳ mãn kinh có sự thay đổi về nội tiết tố, khiến da bị ảnh hưởng và dễ mắc bệnh chàm.
- Dị ứng thực phẩm: Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng (hải sản, trứng, sữa,…) có thể khiến chàm bùng phát và tái đi tái lại nhiều lần.
- Thiếu hụt vitamin: Các vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch như: A, B, C, E,… khi bị thiếu hụt sẽ khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm, làm bệnh chàm dễ tấn công.
Các bạn cần nắm vững những nguyên nhân gây bệnh để tìm ra biện pháp điều trị phù hợp, cũng như tránh những tác nhân khiến chàm trở nên nặng hơn.
Triệu chứng của bệnh chàm
Các triệu chứng của chàm có thể xuất hiện ở những khu vực lộ ra ngoài như: Đầu, mặt, tay, chân gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Bệnh lý này thường phát triển theo 5 giai đoạn với mức độ tăng dần:
- Da nổi mẩn đỏ: Xuất hiện những vùng da có màu đỏ, gây ngứa ngáy, khó chịu.
- Nổi mụn nước: Tại những vùng da đỏ xuất hiện mụn nước nhỏ li ti, mức độ ngứa tăng dần.
- Vỡ mụn và chảy dịch nước: Các mụn nước có thể bị tác động trong quá trình sinh hoạt hoặc tự vỡ ra, gây chảy dịch.
- Đóng vảy và thay đổi sắc tố: Khi mụn nước bị vỡ và khô lại sẽ đóng thành các mảng vảy màu vàng, lúc bong ra sẽ để lộ vùng da non nhẵn bóng ở dưới.
- Hiện tượng chàm hóa: Các giai đoạn của bệnh chàm kể trên sẽ lăp đi lặp lại theo chu kỳ nếu không được điều trị sớm, khiến da xù xì thô ráp, nhiều lớp da non chồng chất lên nhau làm thay đổi sắc tố.
Triệu chứng ngứa là rất điển hình khi bị bệnh chàm. Nếu người bệnh gãi thì sẽ làm cơn ngứa càng trầm trọng hơn. Chu kỳ ngứa - gãi - ngứa có thể là nguyên nhân góp phần gây ra bội nhiễm, tạo thành các tổn thương khó lành trên da.
10 cách chữa bệnh chàm tại nhà cực kỳ đơn giản
Mặc dù bệnh chàm không thể chữa khỏi được hoàn toàn, nhưng có khá nhiều cách để giúp bạn giảm thiểu các triệu chứng cũng như hạn chế tái phát. Dưới đây là 10 cách chữa bệnh chàm tại nhà bạn có thể áp dụng:
Liệu pháp ánh sáng (liệu pháp quang học)
Theo các nghiên cứu, liệu pháp quang học giúp làm dịu phản ứng viêm, giảm ngứa, tăng sản xuất vitamin D và giúp chống lại các vi khuẩn trên da. Thêm 10 - 15 phút/ngày phơi nắng (đặc biệt là trong đợt bùng phát chàm) có thể giúp giảm các triệu chứng và giúp bệnh nhanh lành hơn.
Vitamin D
Bổ sung vitamin D có trong một số loại thực phẩm như: Dầu gan cá, cá mòi, cá hồi, trứng, sữa tươi,… có thể giúp ngăn ngừa bệnh chàm ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong mỗi đợt bùng phát, bạn nên nạp khoảng 2.000 - 5.000 IU vitamin D/ngày. Các nghiên cứu cũng cho thấy, không được cung cấp đủ vitamin D trong khi mang thai và thời thơ ấu có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh chàm.
Giữ ẩm da
Bắt buộc phải giữ ẩm cho những khu vực bị chàm ít nhất 2 lần/ngày. Dầu dừa là một lựa chọn không nên bỏ qua vì đặc tính kháng khuẩn, chống nấm và nuôi dưỡng làn da, tăng tốc độ chữa lành.
Cải thiện yếu tố tâm lý
Theo Trường Đại học Y Harvard, bệnh chàm có thể được cải thiện qua việc ổn định tâm lý. Theo đó, thôi miên, thiền chánh niệm, kiểm soát hơi thở,… có thể giúp kiểm soát các triệu chứng cũng như giảm thiểu tái phát trong tương lai.
Trị ngứa
Những cơn ngứa dữ dội thường là thứ khiến người bệnh “khổ sở”, nhất trong các đợt chàm bùng phát. Bạn có thể thử bôi: Dầu dừa, mật ong và các loại tinh dầu để cải thiện triệu chứng này.
Tắm bằng muối biển
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, tắm bằng muối biển giúp cải thiện quá trình hydrat hóa da, giảm viêm, mẩn đỏ và sần sùi. Bệnh chàm dễ trở nên tồi tệ hơn khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc thấp, vì thế, nước tắm phải có nhiệt độ vừa phải. Bạn cũng không chà xát da quá mạnh mà hãy vỗ nhẹ bằng khăn mềm.
Axit béo omega-3
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và công nghệ Na Uy đã phát hiện ra rằng: Khi cá được đưa vào chế độ ăn của trẻ nhỏ một cách thường xuyên thì nguy cơ mắc bệnh chàm giảm đáng kể. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là nhờ acid béo omega-3 có nhiều trong cá. Vì thế, khi chàm bùng phát, bổ sung chất này là một phương pháp điều trị bệnh tuyệt vời.
Probiotic (lợi khuẩn)
Probiotic có thể giúp ngăn ngừa chàm ở trẻ sơ sinh và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các thống kê cũng cho thấy, những bà mẹ dùng men vi sinh khi mang thai và cho con bú có thể ngăn ngừa bệnh chàm phát triển ở trẻ.
Tinh dầu oải hương
Bên cạnh triệu chứng ngứa dữ dội, bệnh chàm thường gây ra lo lắng, trầm cảm và ngủ kém. Tinh dầu oải hương có khả năng làm giảm các triệu chứng kể trên khá hiệu quả. Bạn chỉ cần thêm 10 giọt tinh dầu vào 1 muỗng dầu dừa rồi nhẹ nhàng chà xát lên da. Mùi hương có thể giúp bạn bớt căng thẳng và dễ ngủ hơn.
Vitamin E
Khi bị chàm, uống 400 IU vitamin E/ngày có thể giúp giảm viêm và tăng tốc độ chữa lành. Ngoài ra, việc bôi vitamin E tại chỗ còn có tác dụng giảm ngứa và ngăn ngừa sẹo.
Dược sĩ Đoàn Thu