Bị bệnh chàm da mặt là vấn đề mà nhiều người gặp phải. Họ đều có chung một nỗi lo - đó là sợ bị sẹo trên mặt, làm mất thẩm mỹ và gây ra sự tự ti khi giao tiếp xã hội. Nhưng đừng quá lo lắng! Bài viết này sẽ cho bạn lời khuyên nên làm gì để tránh được hậu quả nghiêm trọng này cũng như hạn chế nguy cơ bệnh tái phát. Hãy cùng tìm hiểu!
Nguyên nhân gây chàm da mặt
Chàm da mặt (eczema, viêm da cơ địa) là bệnh lý ngoài da tương đối phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng nổi mụn nước, mẩn đỏ, ngứa rát,... trên mặt. Bệnh có thể tồn tại ở dạng cấp tính hoặc mạn tính, thường xảy ra ở cả người lớn và trẻ em nhưng đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây bệnh chàm da mặt có thể là:
Nguyên nhân cơ địa:
+ Rối loạn chức năng bài tiết, tiêu hóa, thần kinh, nội tiết, có thể gây ra bệnh chàm da mặt.
+ Người mắc các bệnh như: Hen suyễn, viêm mũi xoang, viêm gan, viêm đại tràng, viêm tai, bệnh thận,… có khả năng bị chàm da mặt cao.
+ Bệnh có tính di truyền: Những ai có cha mẹ, ông bà từng bị chàm thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người khác.
+ Do sức đề kháng yếu, không đủ sức chống lại tác nhân gây bệnh.
Nguyên nhân dị nguyên:
+ Do tiếp xúc với các đồ dùng hàng ngày như: Quần áo, chăn màn, khăn len, giày dép, kem bôi mặt, kem cạo râu,… khiến cho da bị viêm nhiễm.
+ Do nghề nghiệp phải thường xuyên tiếp xúc với: Xi măng, thuốc nhuộm, nguyên liệu làm cao su, sơn xe, dầu mỡ, phân bón hóa học,...
+ Dị ứng với thức ăn như: Hải sản, gia vị cay nóng hoặc có chế độ ăn uống thiếu hụt vitamin, rau xanh và uống ít nước.
Triệu chứng của bệnh chàm da mặt
Khi bị bệnh chàm da mặt, triệu chứng cơ bản là ngứa và nổi mụn nước trên bề mặt da. Các mụn nước này thường tập trung thành từng cụm trên nền da đỏ, tiến triển theo 5 giai đoạn chính như sau:
Giai đoạn 1: Tấy đỏ
+ Da bắt đầu ngứa và xuất hiện các mảng đỏ.
+ Bề mặt da xuất hiện các hạt nhỏ có màu hơi trắng, sau đó tạo thành mụn nước.
Giai đoạn 2: Nổi mụn nước
Các mụn nước kích thước nhỏ, chứa dịch trong xuất hiện trên nền da đỏ, có khi lan cả sang những vùng da lành.
Giai đoạn 3: Chảy nước
+ Mụn nước có thể bị vỡ do bệnh nhân gãi ngứa hoặc do nguyên nhân tự nhiên.
+ Các mảng chàm có nhiều vết trợt, rất dễ bị bội nhiễm.
Giai đoạn 4: Da nhẵn
Các mụn nước bị vỡ nhiều, chảy nước vàng, huyết thanh đọng lại trên mặt da hình thành nên những vảy tiết dày. Sau đó, chúng khô lại rồi bong tróc, để lại lớp da mỏng, nhẵn bóng. Giai đoạn này diễn ra khá nhanh, trong khoảng 2 - 3 ngày.
Giai đoạn 5: Bong vảy da
+ Lớp da mỏng vừa hình thành tự rạn nứt, bong vảy thành các mảng.
+ Da dày lên và tăng sắc tố.
Theo các chuyên gia, về bản chất thì chàm không để lại sẹo. Chính thói quen sinh hoạt và chăm sóc da không đúng cách mới là nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra. Người bị chàm sẽ luôn cảm thấy rất ngứa ngáy, khó chịu. Trong sinh hoạt thường ngày, họ có thể kiềm chế, không gãi. Tuy nhiên, khi ngủ, hành động gãi ngứa trong vô thức có thể khiến da bị trầy xước và chảy máu. Những tổn thương do móng tay có thể bị nhiễm trùng, làm phá hủy cấu trúc da. Đến khi bệnh chàm giảm bớt cũng sẽ để lại sẹo rất mất thẩm mỹ, khiến người mắc tự ti, ngại giao tiếp,...
Người bị chàm da mặt nên làm gì để không bị sẹo?
Khi bị chàm da mặt, trước hết, bạn nên sử dụng thuốc đúng theo phác đồ của chuyên gia để kiểm soát triệu chứng. Một số loại thuốc có thể được chỉ định là:
- Thuốc corticoid: Có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế hệ miễn dịch. Đối với tình trạng chàm da, thuốc giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh, làm lành các vết mẩn ngứa tương đối nhanh. Tuy nhiên nhóm thuốc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác dụng phụ rất nguy hiểm.
- Thuốc kháng histamin: Có tác dụng làm giảm triệu chứng ngứa.
- Hồ nước: Làm dịu da, giảm ngứa, ngăn chặn lây lan. Nên sử dụng trong giai đoạn đầu của bệnh chàm da mặt.
- Dung dịch Natri clorid 0.9%, thuốc tím 0.001%.
- Kháng sinh: Chỉ dùng khi có nhiễm trùng.
Các loại thuốc trên, nhất là thuốc corticoid, kháng histamin và kháng sinh nên được sử dụng cẩn trọng. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc để tránh những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe như: Vi khuẩn kháng thuốc, teo da, mất sắc tố da, khiến bệnh lan rộng và nặng hơn,...
Bên cạnh việc dùng thuốc để giảm nhanh các triệu chứng, bạn nên chăm sóc da đúng cách để bệnh mau cải thiện, không bị sẹo cũng như phòng ngừa tái phát:
- Tuyệt đối không cào, gãi hoặc cọ xát khiến cho da bị trầy xước, rất dễ để lại sẹo trên da.
- Vệ sinh chăn màn, gối, khăn tắm và những vật dụng thường xuyên tiếp xúc với da mặt khác, tránh vi khuẩn xâm nhập vào nơi tổn thương.
- Đeo khẩu trang bằng cotton mềm mịn, mát mẻ, thấm hút tốt khi đi ra ngoài giúp da mặt không phải tiếp xúc với các loại vi khuẩn và bụi ô nhiễm.
- Giữ tâm trạng luôn thoải mái, thư giãn. Ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày bằng nước ấm. Có thể bỏ vào nước tắm một ít bột yến mạch dạng keo sẽ dịu nhẹ với làm da hơn.
- Chọn sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa các chất gây kích ứng da.
- Tạm ngừng sử dụng các loại mỹ phẩm cho đến khi da đã lành.
- Dưỡng ẩm cho da thường xuyên bằng sản phẩm dịu nhẹ. Có thể lựa chọn dầu dừa, dầu oliu vì chúng giúp sát khuẩn và nuôi dưỡng làn da. Nhớ uống đủ 1,5 -2 lít nước/ngày.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Dùng nhiều trái cây, rau củ và các thực phẩm có tính mát (rau má, bí đao, đậu xanh,…). Tránh xa thực phẩm dễ gây kích ứng như: Hải sản, trứng, đậu phộng,… Không dùng đồ chứa chất kích thích như: Rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…
Dược sĩ Đoàn Thu