Bệnh chàm ở trẻ em là vấn đề khiến nhiều bậc làm cha mẹ phải lo lắng. Tình trạng này gây ngứa ngáy, làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Chính vì thế, việc tìm ra giải pháp để cải thiện bệnh hiệu quả, an toàn là rất cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin đầy đủ nhất về căn bệnh này cũng như cách để “đánh bay” nó.
Định nghĩa bệnh chàm
Chàm ở trẻ em là tình trạng da bị viêm nhiễm, dẫn đến khô, ngứa, tróc vảy, thậm chí chảy máu và rỉ dịch. Trong điều kiện bình thường, hệ miễn dịch của con người không phản ứng với protein trong cơ thể mà chỉ tấn công lại các “chất lạ” xâm nhập vào như: Vi khuẩn, virus,... Khi mắc bệnh chàm, hệ miễn dịch hoạt động không bình thường. Kết quả là nó tấn công cả các protein của cơ thể và gây ra viêm. Đặc trưng của tình trạng này là những cơn bùng phát bệnh, gây nên một hoặc nhiều triệu chứng trên da. Những đợt bùng phát này có thể do một số yếu tố khác nhau, tùy thuộc vào dạng bệnh chàm của trẻ, cụ thể là:
- Hóa chất gia dụng: Nhiều hóa chất gia dụng (chất tẩy rửa, xà phòng,...) có thể làm khô da và kích hoạt các triệu chứng chàm.
- Đổ mồ hôi hoặc quá nóng: Nhiệt độ cơ thể tăng lên và đổ mồ hôi là nguyên nhân gây bệnh chàm phổ biến.
- Quần áo: Một số loại vải tổng hợp hoặc thô ráp, chẳng hạn như len có thể gây kích ứng da và làm bùng phát chàm.
- Các yếu tố khác: Những yếu tố khác làm triệu chứng của bệnh chàm trở nên trầm trọng hơn bao gồm: Căng thẳng, dị ứng thực phẩm, lông vật nuôi, nhiễm trùng đường hô hấp trên,...
Mặc dù chàm là tình trạng da tương đối phổ biến nhưng không phải ai cũng có hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này, dẫn đến tâm lý chủ quan, coi thường hoặc không biết cách để kiểm soát nó. Đặc biệt là ở trẻ em, nếu không nắm được những thông tin chính xác về bệnh sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường.
Bệnh chàm ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh chàm ở trẻ em không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng lớn đến trẻ, gây ngứa ngáy, khó chịu và quấy khóc. Do đó, chất lượng cuộc sống của bé, đặc biệt là giấc ngủ bị suy giảm đáng kể. Thiếu ngủ có thể tác động đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Đối với những trường hợp chàm nặng, các mảng da bong tróc, chảy máu, bé thường gãi nhiều, có thể làm cho da bị viêm nhiễm.Vì vậy, cha mẹ không nên để cho bé gãi vào khu vực da bị bệnh. Bệnh có khả năng thuyên giảm hoặc biến mất khi trẻ lên 6 tuổi. Cũng có trường hợp trẻ bị nặng, tái phát lại nhiều lần đến khi trưởng thành.
Cách chữa bệnh chàm ở trẻ em
Làn da của trẻ em vốn nhạy cảm, non nớt nên việc lựa chọn các phương pháp điều trị cũng thận trọng hơn. Sử dụng thảo dược hay các sản phẩm được chiết xuất từ thiên nhiên là phương pháp an toàn được nhiều người lựa chọn để chữa chàm cho trẻ nhỏ. Cụ thể:
- Sử dụng dầu dừa: Dầu dừa có tác dụng giữ ẩm và kháng khuẩn cho da rất tốt. Bạn có thể sử dụng dầu dừa để bôi lên vùng da bị bệnh của bé.
- Tắm bột yến mạch: Bột yến mạch (dạng keo) giúp làm dịu da, vì vậy có thể sử dụng nó để pha với nước và tắm sẽ giúp cải thiện triệu chứng.
- Phương pháp quấn ướt: Khi các đợt ngứa bùng phát dữ dội, liệu pháp quấn ướt có thể bù nước và xoa dịu cơn ngứa tức thì, đồng thời làm tăng hiệu quả của các loại thuốc bôi tại chỗ. Cách thực hiện rất đơn giản: Bạn lấy một chiếc khăn sữa hoặc vải sạch, nhúng vào nước lạnh và quấn vào khu vực da bị chàm. Mặc một lớp quần áo mỏng để che phủ bên ngoài, giúp miếng vải ướt không bị dính bụi bẩn. Hãy gỡ chúng ra sau khoảng 30 phút.
Ngoài ra, một số loại thuốc có thể được kê đơn cho trẻ bị chàm, đó là:
– Kem corticosteroid: Thường được chỉ định khi da bé có dấu hiệu bị nhiễm trùng ở mức độ nhẹ đến trung bình. Chúng có tác dụng kháng viêm mạnh. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: Mỏng da, kích ứng da, teo da. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất khi sử dụng, các bậc phụ huynh lưu ý: Tuân theo chỉ dẫn của chuyên gia, không nên tự ý mua về dùng, chỉ thoa thuốc trong phạm vi bị bệnh, tránh bôi lan ra ngoài,...
– Thuốc sát khuẩn tại chỗ: Giúp ngăn ngừa nhiễm trùng cho vùng da bệnh chàm.
– Thuốc kháng calcineurin: Có tác dụng ức chế, ngăn chặn không cho hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức. Từ đó giảm thiểu được tình trạng nổi hồng ban và ngứa ngáy trên da. Nó có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Bỏng rát, kích ứng da, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nang lông hay thủy đậu, herpes. Vì vậy, cha mẹ không nên sử dụng tùy tiện cho bé khi chưa có chỉ định.
Ngoài ra, bạn nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm sau để góp phần cải thiện bệnh chàm: Cá béo (cá hồi,...), rau bina, cải xoăn, men vi sinh, sữa chua, uống đủ nước. Kiểm tra môi trường sống cũng rất quan trọng, theo đó, cha mẹ nên vệ sinh không gian phòng ngủ, nhà ở để loại bỏ những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây khởi phát bệnh chàm ở trẻ.
Dược sĩ Đoàn Thu