Chàm da bệnh viêm da phổ biến với nhiều thể khác nhau. Bệnh làm xuất hiện các tổn thương trên da như ngứa, thô ráp, nứt nẻ, nổi ban,... Tình trạng này có thể kéo dài làm xuất hiện các biến chứng không mong muốn và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Vậy chàm da (hay eczema) là gì và hướng điều trị như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.
Tại sao chúng ta lại bị chàm da?
Da được cấu tạo bởi 3 lớp gồm: lớp biểu bì (lớp ngoài), lớp hạ bì (lớp giữa) và lớp dưới da (lớp trong). Ở lớp biểu bì cũng sẽ chia thành các lớp khác nhau: lớp đáy, lớp tế bào gai, lớp sừng. Trong đó, lớp sừng là lớp ngoài cùng của da (có thể nhìn thấy được) giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại bên ngoài môi trường.
Khi bị tổn thương hoặc trong trường hợp gen đột biến gây ảnh hưởng quá trình sản xuất protein filaggrin (loại protein tạo lớp ngoài của da) sẽ làm mất cân bằng chất béo ở da. Lúc này, sự bảo vệ của lớp sừng trước các chất kích ứng, chất gây dị ứng, vi trùng bị suy giảm dễ gây ra các vấn đề trên da. Khi các tác nhân lạ xâm nhập, hệ thống miễn dịch sẽ đáp ứng bằng cách giải phóng các kháng thể, gây viêm.
Sự khác biệt giữa da người bình thường và da người bị chàm
Các triệu chứng của bệnh chàm da
Trong đa số trường hợp, bệnh chàm da chỉ gây ra triệu chứng nhẹ, bao gồm: da đỏ bừng, da khô, ngứa, có vảy, vết loét hở. Tuy nhiên, ở mỗi đối tượng khác nhau sẽ biểu hiện triệu chứng khác nhau.
Triệu chứng chàm da ở trẻ sơ sinh
Đối tượng trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi, khi mắc bệnh chàm da thường xuất hiện các triệu chứng:
- Nổi ban đỏ trên da má, đầu. Tuy nhiên, cũng có thể xuất hiện ở lưng, tay, chân và ngực.
- Nổi mụn nước li ti hoặc thành đám.
- Nổi ban gây ngứa, khi ngứa dữ dội có thể khiến trẻ quấy khóc, ảnh hưởng giấc ngủ.
Triệu chứng chàm da ở trẻ em
Đối tượng trẻ em trên 2 tuổi mắc bệnh chàm da có các biểu hiện sau:
- Nổi ban ở vị trí da nếp gấp như đầu gối, khuỷu tay.
- Nổi ban trên cổ, mắt cá chân, cổ tay, da gấp nếp giữa chân và mông.
- Nổi ban với màu da sẫm hơn bình thường.
- Nổi ban đỏ gồ ghề.
- Da trở nên dày, ngứa.
Trẻ thường mắc bệnh chàm da trước 5 tuổi và các triệu chứng thường tự biến mất khi trẻ đến tuổi vị thành niên.
Triệu chứng chàm da ở người lớn
Khoảng 20% trẻ em mắc chàm da cho đến khi trưởng thành. Ở người lớn, chàm da có các dấu hiệu sau:
- Nổi ban ngứa, có thể gây ngứa lâu dài.
- Nổi ban có vảy.
- Nổi ban ở các vùng da nếp gấp như đầu gối, gáy, khuỷu tay.
- Vùng da tổn thương bị khô.
- Nổi ban diện rộng trên cơ thể.
- Nhiễm trùng da.
Người có tiền sử bị chàm da lúc nhỏ, khi lớn phần da tổn thương vẫn có thể bị khô, dễ gây kích ứng dù không mắc chàm da.
Eczema gây nổi ban diện rộng trên lưng người lớn
Nguyên nhân khiến da bị chàm
Không có một nguyên nhân chính xác nào cho bệnh chàm da. Theo các chuyên gia y tế, bệnh chàm da có thể phát triển từ sự kết hợp của các yếu tố sau:
- Gen di truyền: Đây là nguyên nhân khá phổ biến với những người mắc bệnh chàm. Nếu người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh chàm da thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh chàm da cao hơn người bình thường.
- Da khô: Nếu bạn để da mình quá khô, tình trạng khô ráp, nứt và ngứa da do chàm sẽ càng trở nên trầm trọng, đặc biệt vào mùa đông.
- Môi trường sống: Thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, hoặc trong môi trường có tích tụ nhiều vi trùng dễ gây da các triệu chứng ngoài da khởi phát bệnh chàm.
- Chất kích ứng: Đồ dùng hóa mỹ phẩm hàng ngày, thực phẩm (như hải sản), khói thuốc lá, kim loại (niken, coban), chất khử trùng - sát trùng, lông thú cưng,... đều có thể là chất gây dị ứng ở một số người.
- Thời tiết nóng và lạnh: Khi thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng, độ ẩm quá cao hoặc quá thấp, thay đổi thời tiết sẽ dẫn đến da bị khô hoặc làm da đổ mồ hôi có thể khiến phát sinh bệnh chàm da.
- Thay đổi nội tiết tố: Phụ nữ dễ gặp phải tình trạng chàm da khi lượng hormone trong cơ thể thay đổi ở chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi mang thai.
- Mắc bệnh suy giảm miễn dịch: Người bệnh suy giảm miễn dịch dễ bị các bệnh ngoài da như nhiễm nấm, ghẻ,... và có nguy cơ mắc bệnh chàm cao gấp đôi so với người bệnh bình thường.
- Căng thẳng và lo lắng: Lo lắng có thể khiến cho bệnh chàm tái diễn. Và tình trạng da ngứa, đau của bệnh chàm cũng có thể khiến bạn căng thẳng. Đây là một chu kỳ bất tận gây chàm da nếu không được kiểm soát tốt.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc chàm da do thay đổi hormon trong cơ thể
>>Xem thêm: Người mắc bệnh chàm da mặt nên làm gì để không bị sẹo? XEM NGAY!
Phân loại các thể chàm da
Tùy theo các triệu chứng đặc thù, vị trí xuất hiện mà bệnh chàm da được chia thành các thể sau:
- Viêm da dị ứng (viêm da cơ địa): Là tình trạng phổ biến nhất của bệnh chàm, thường xuất hiện trên trẻ nhỏ và dần hết khi trưởng thành. Bệnh cũng liên quan đến tình trạng viêm mũi dị ứng, hen suyễn.
- Viêm da thần kinh: Xuất hiện với các mảng da có vảy ở đầu, cổ tay, cẳng tay, cẳng chân. Đặc trưng bởi chu kỳ ngứa- gãi- ngứa và cơn ngứa thường dữ dội khi bạn nghỉ ngơi hoặc ngủ.
- Viêm da tiếp xúc: Xảy ra khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, khi đó hệ miễn dịch xác nhận đây là chất lạ sẽ kích thích cơ thể đáp ứng miễn dịch gây ra các phản ứng dị ứng. Những triệu chứng phổ biến bao gồm: đỏ, ngứa, rát, nổi mề đay, châm chích, mụn nước.
- Chàm tổ đỉa: Xuất hiện với các nốt mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân. Chàm tổ đỉa thường phổ biến hơn ở nữ giới. Đặc biệt, việc tiếp xúc nhiều với các kim loại như niken, coban hoặc muối crom là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chàm tổ đỉa.
- Viêm da tiết bã nhờn: Xuất hiện ở vùng da có nhiều tuyến dầu. Khi xuất hiện trên da đầu, nó tạo thành các mảng bám lớn trên da gây bít tắc lỗ chân lông.
- Viêm da ứ đọng: Là tình trạng xuất hiện dịch từ các tĩnh mạch yếu rò rỉ vào da gây sưng, đỏ, đau, ngứa. Bệnh thường xuất hiện ở chân dưới, khi vận động nhiều gây cảm giác đau và nặng chân. Những người gặp vấn đề về lưu thông máu sẽ dễ gặp tình trạng bệnh viêm da ứ đọng.
- Chàm thể đồng tiền: Tổn thương trên da là các hình oval hoặc hình tròn tương tự đồng xu. Vùng da bị tổn thương xuất hiện các nốt đỏ, sần, mụn.
Chàm thể đồng tiền gây ra các tổn thương hình tròn giống đồng xu trên da
Phương pháp điều trị bệnh chàm da
Chàm da là bệnh viêm da mãn tính, không thể chữa dứt điểm. Tuy nhiên, khi kiểm soát tốt triệu chứng và chữa lành vùng da bị tổn thương, bệnh chàm sẽ biến mất theo thời gian. Các phương pháp điều trị sau giúp cải thiện triệu chứng, hồi phục da trong quá trình điều trị bệnh chàm da.
Các biện pháp cải thiện triệu chứng tại chỗ
Thuốc tây y bôi tại chỗ
Các bác sĩ/dược sĩ có thể kê một số loại thuốc giúp cải thiện triệu chứng bệnh chàm da, bao gồm:
- Thuốc corticosteroid tại chỗ: có tác dụng chống viêm, làm giảm các triệu chứng bệnh chàm da.
- Thuốc ức chế Calcineurin (pimecrolimus, tacrolimus): Thuốc có thể dùng lâu ngày cho vùng da nhạy cảm như cổ, mặt nhưng không được sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi. Đây có thể là lựa chọn trong trường hợp corticosteroid không đáp ứng hoặc không hiệu quả.
Kem làm sạch da
Kem làm sạch da nguồn gốc từ thiên nhiên được xem là lựa chọn hữu ích trong điều trị bệnh chàm. Bạn nên lựa chọn kem có chiết xuất từ các hoạt chất thiên nhiên có tính kháng khuẩn cao vừa giúp cung cấp độ ẩm cho da, vừa đẩy nhanh quá trình phục hồi vết thương và ngăn ngừa tái phát. Bạn có thể dễ nhận thấy các thành phần sau trong những loại kem làm sạch da:
- Kẽm salicylat: Có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm ngứa, làm dịu da hiệu quả. Nghiên cứu đánh giá liệu pháp kẽm trong da liễu cũng đã chỉ ra rằng, kẽm có tác dụng ức chế sự giải phóng histamin và là một chất hữu ích trong điều trị tình trạng viêm, ngứa trên da.
- Nano bạc: Tác dụng kháng khuẩn tốt và độ an toàn cao, nano bạc có thể dùng cho cả trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai. Chỉ với một lượng rất nhỏ khoảng 1mg/ml, nano bạc đã có tác dụng kháng khuẩn.
- Chitosan: Chitosan giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn khi da bị tổn thương và giúp làm lành vết thương hiệu quả. Nghiên cứu khoa học năm 2019 cũng đã chứng minh hiệu quả của chitosan trong việc chống lại nhiễm trùng và chữa lành các vết loét trên da.
- Chiết xuất vỏ núc nác: Chứa các flavonoid có tác dụng kháng khuẩn tốt như baicalin, chrysin, baicalein. Năm 2018, núc nác còn được chứng minh là có tác dụng tăng sinh tổng hợp Collagen và DNA, ức chế quá trình peroxy hóa lipid giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.
- Dịch chiết hạt Neem: Dịch chiết hạt Neem có tác dụng làm giảm thời gian chữa lành vết thương. Nghiên cứu năm 2019 đã chứng minh, dịch chiết hạt Neem có tác dụng khuẩn khuẩn tốt trên cả vi khuẩn và nấm Candida.
- Dầu dừa nguyên chất: Nổi bật với tác dụng dưỡng ẩm, làm dịu da, cung cấp dưỡng chất cho làn da khỏe mạnh. Dầu dừa nguyên chất đã được tiến hành nghiên cứu khoa học và chứng minh có hiệu quả trong điều trị các triệu chứng rối loạn trên da, giúp làn da hồi phục sau tổn thương.
Dịch chiết hạt Neem - nguyên liệu thiên nhiên thường thấy trong kem làm sạch da
Các biện pháp dùng thuốc toàn thân
Thuốc tây y
- Thuốc uống corticosteroid: Nếu người bệnh không đáp ứng với corticosteroid tại chỗ, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc corticosteroid toàn thân. Thuốc chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc không khuyến cáo sử dụng ở phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định điều trị trong các trường hợp tổn thương bị xước, loét da gây nhiễm trùng (với biểu hiện sưng tấy, đau, đỏ, mưng mủ).
- Thuốc kháng histamin: Dùng trong điều trị dị ứng, thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ nên được dùng cho người bệnh vào buổi tối để tránh ngứa ban đêm. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ làm chóng mặt, khô miệng,...
Thuốc đông y
Là giải pháp an toàn, lành tính được nhiều người ưa chuộng. Tuy có tác dụng chậm hơn, nhưng phương pháp này mang lại hiệu quả lâu dài. Một số bài thuốc dùng trong điều trị bệnh chàm như: An bì thang, Thanh bì dưỡng can thang,...
Các liệu pháp khác
- Quang trị liệu: Phương pháp này được chỉ định điều trị chàm da ở mức độ vừa phải. Tia UV sẽ tác động đến hệ miễn dịch giúp ngăn chặn tình trạng viêm da. Phương pháp chỉ được áp dụng điều trị cho người lớn do có nguy cơ làm tăng quá trình lão hóa da và ung thư da.
- Sửa chữa lớp da ngoài và chức năng hàng rào bảo vệ da: Sự thiếu hụt chất ceramide ở lớp ngoài của da sẽ làm tăng quá trình bốc hơi nước làm khô da. Việc bổ sung ceramide và tăng cường chức năng hàng rào da được coi là hữu ích trong điều trị viêm da cơ địa.
Quang trị liệu là biện pháp mới dùng tia UV để kiểm soát triệu chứng bệnh chàm da
>>Xem thêm: Bị chàm da mặt ở người lớn – Hãy dùng 3 loại mặt nạ này và sản phẩm thảo dược
Các câu hỏi thường gặp
Một số điều liên quan đến bệnh chàm mà bạn có thể thắc mắc:
Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Bệnh chàm phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện trong hai năm đầu đời, thường từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đa số trẻ mắc bệnh chàm đều thuyên giảm hoặc biến mất khi trẻ lớn lên. Và trẻ dưới 12 tháng tuổi thường khỏi tương đối nhanh.
Các biến chứng của bệnh chàm là gì?
Nếu không kiểm soát tốt triệu chứng khiến bệnh kéo dài, người mắc chàm da có thể bị các biến chứng sau:
Nhiễm trùng da: khi xuất hiện các tổn thương hở, da có thể bị nhiễm trùng và làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Vi khuẩn chủ yếu gây nhiễm trùng da là tụ cầu và có thể lan rộng là vùng da xung quanh. Lúc này, bạn cần được điều trị bằng kháng sinh. Da bị viêm, nứt nẻ cũng khiến bạn dễ bị nhiễm trùng herpes làm xuất hiện các mụn nước chứa đầy dịch. Nhiễm trùng herpes thường ảnh hưởng đến mặt. Điều quan trọng là bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu nhiễm trùng herpes để tránh lây lan sang các vùng da khác.
Sẹo: đối với vùng da bị tổn thương sâu, bị nhiễm trùng thì sau khi chữa lành có thể để lại sẹo trên da.
Mất ngủ vì ngứa: người bệnh mắc chàm da thường sẽ bị khó ngủ do ngứa. Nếu kéo dài có thể ảnh hưởng tới tinh thần và một số bệnh lý liên quan khác.
Bị chàm da kéo dài có thể gây mất ngủ cho người bệnh
Các biện pháp tại nhà giúp khắc phục bệnh chàm da
Có một số điều mà bạn có thể thực hiện tại nhà giúp nâng cao sức khỏe làn da và hỗ trợ làm giảm các triệu chứng bệnh chàm da. Ngoài ra, những biện pháp chăm sóc này còn giúp ngăn ngừa bùng phát trở lại, bao gồm:
- Tránh gãi: Gãi là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi ngứa, nhưng nó có thể gây xước da, làm nặng thêm tình trạng bệnh và các biến chứng dễ xảy ra hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng kiểm soát tốt việc gãi ngứa. Hãy cắt ngắn móng tay để tránh gãi quá nhiều gây ra các tổn thương trên da.
- Thoa kem dưỡng ẩm sau tắm: Da khô dễ gây ngứa và các triệu chứng khác trên da. Thoa kem dưỡng ẩm sau tắm giúp làm dịu tình trạng viêm, cung cấp đủ độ ẩm làm da nhanh hồi phục sau tổn thương.
- Sử dụng chế phẩm tẩy rửa dịu nhẹ: Xà phòng, sữa rửa mặt, sữa tắm,... chứa nhiều chất khác nhau có thể làm khô da. Hoặc chứa nhiều chất thơm gây kích ứng da. Hãy lựa chọn các chế phẩm dịu nhẹ từ thiên nhiên thích hợp với da giúp ngăn ngừa bùng phát cơn ngứa.
- Tránh tác nhân gây dị ứng: Bụi, phấn hoa, hóa chất, căng thẳng, mồ hôi, thực phẩm lạ,... đều có thể là tác nhân khởi phát các triệu chứng dị ứng. Tránh các tác nhân gây dị ứng giúp phòng ngừa bùng phát ngứa và tái diễn bệnh chàm da.
- Thực hiện các biện pháp giúp thư giãn: Nếu cảm thấy căng thẳng, bạn hãy tìm cách để bản thân thư giãn. Và hãy đảm bảo rằng bạn ngủ đủ giấc để có được tinh thần thoải mái vào ngày hôm sau. Bạn có thể sử dụng biện pháp mát xa, dùng tinh dầu, ngâm mình trong bồn nước ấm để thư giãn, giảm bớt căng thẳng.
Bệnh chàm da nói chung là một tình trạng da phổ biến. Tùy vào cơ địa của mỗi người sẽ có biểu hiện bệnh khác nhau. Bạn có thể thực hiện điều trị và phòng ngừa tái phát bệnh chàm bằng cách sử dụng thuốc, kem làm sạch da và thay đổi lối sống. Hãy để lại thông tin liên lạc nếu bạn còn thắc mắc bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bệnh chàm da để có thể nhận được sự tư vấn tốt nhất.
Nguồn tham khảo:
https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/eczema/atopic-dermatitis-eczema